Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Không chủ quan trước bão số 5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước diễn biến phức tạp của bão số 5 (bão Noul), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 5 vào ngày 16-9 tại Hà Nội.

 

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho hay ngày 18-9, bão số 5 sẽ đi vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ; trọng tâm là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

 

 Dự báo đường đi và phạm vi ảnh hưởng của bão số 5 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Dự báo đường đi và phạm vi ảnh hưởng của bão số 5 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia



Bão di chuyển nhanh với cường độ mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14; vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có khả năng gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Mưa lớn tập trung ở Trung Bộ từ chiều 17-9 đến đêm 18-9 với lượng mưa rất lớn, trong thời gian ngắn.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, tính đến 10 giờ ngày 16-9 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 phương tiện/285.384 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 5 để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết hiện có 55 hồ hư hỏng cần lưu ý, 41 hồ đang thi công, 99 vị trí đê biển xung yếu khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tránh tâm lý chủ quan, lơ là, bất ngờ trong ứng phó với bão.

Để chủ động ứng phó, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan và các địa phương khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; chủ động, kịp thời triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Ngay sau cuộc họp này, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai trình Thủ tướng ký ban hành Công điện về ứng phó với bão số 5.

Ngày 16-9, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình triển khai công tác ứng phó bão số 5.

Ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh địa phương phải tập trung kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn khu vực neo đậu, tránh trú tàu thuyền; hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản có giải pháp neo đậu, có thể thu hoạch sớm gần 6.000 lồng bè...

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định: "Đây là cơn bão lớn, đầu tiên trong năm, các địa phương phải tập trung, không được chủ quan, lơ là. Ở tuyến biển đến trưa 17-9 phải chuẩn bị xong việc neo đậu, kêu gọi tàu thuyền và chằng chống nhà cửa giúp dân. Ở khu vực hồ đập phải dự phòng máy nổ và các phương án phụ, không để xảy ra tình huống bị động khi mất điện".

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết đến chiều 16-9, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên biển là 553 tàu với 5.684 lao động. Hiện nay, các tàu cá đã nhận được thông báo về diễn biến của bão và đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng. Trong ngày 16-9, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng có công văn gửi các địa phương, đơn vị liên quan yêu cầu thực hiện hàng loạt giải pháp chủ động phòng chống bão số 5.

Theo An Nhiên - Quang Nhật - Trần Thường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm