Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Không đặc xá tội phản quốc, gián điệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định không đề nghị đặc xá với tội phản bội Tổ quốc; hoạt động nhằm lật đổ chính quyền; gián điệp; xâm phạm an ninh lãnh thổ; khủng bố...
Quốc hội (QH) sáng 7-11 thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi).
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy dự thảo luật đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá, gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cho giữ 3 thời điểm đặc xá như luật hiện hành; không quy định thời điểm, tần suất đặc xá và không liệt kê cụ thể các sự kiện trọng đại của đất nước, mà giao Chủ tịch nước căn cứ các quy định của luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP HCM) đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội ngày 7-11 Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP HCM) đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội ngày 7-11 Ảnh: Đình Nam
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng từ thực tế thi hành Luật Đặc xá cho thấy thời điểm đặc xá thường vào các ngày lễ lớn với số lượng người được đặc xá rất đông. Ngoài ra, theo quy định của điều 66 Bộ Luật Hình sự, Chánh án TAND Tối cao xem xét tha tù trước thời hạn. Do đó, đại biểu đề nghị không quy định thời điểm đặc xá nhân các ngày lễ lớn mà chỉ nên đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước. Đồng thời, nên quy định có khoảng cách thời gian cho các lần đặc xá.
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP HCM) thì đề nghị bỏ điểm i khoản 2 điều 11 về "trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chính phủ" bởi đặc xá là chính sách khoan hồng đặc biệt của nhà nước, vì vậy phải bảo đảm rõ ràng, công bằng đối với người được đề nghị đặc xá và cũng tránh việc tùy ý trong thực hiện.
Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng ngoài 2 loại đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo luật là: người bị kết án phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt và người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống án tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt thì bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Về các trường hợp không được đề nghị đặc xá (điều 12 của dự thảo luật), ngoài việc giữ lại 2 trường hợp không đề nghị đặc xá đối với người: "trước đó đã được đặc xá" hoặc "có từ 2 tiền án trở lên" như quy định hiện hành, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo rà soát và bổ sung các tội không đề nghị đặc xá như: phản bội Tổ quốc, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, xâm phạm an ninh lãnh thổ, bạo loạn, khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Chiều cùng ngày, QH nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Chăn nuôi. 
Văn Duẩn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm