"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra mục tiêu: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 0,8% trở lên (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020). Để phấn đấu đạt mục tiêu này, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính căn cơ.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh dự kiến giảm còn 4,5%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm xuống dưới 6,25%. Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho rằng: Điều đó cho thấy, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Vì thế, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ người dân, nhất là hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Trước mắt, Sở phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS và cộng đồng xã hội về công tác giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, các ngành, địa phương thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để tăng cường nguồn lực; triển khai sâu rộng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Ủy ban MTTQ các cấp vận động các hội, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia công tác giảm nghèo”-bà Rcom Sa Duyên cho biết.

 Đường đi vào xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) được xây dựng khang trang, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Ảnh: Đinh Yến
Đường đi vào xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) được xây dựng khang trang, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Ảnh: Đinh Yến


Những năm qua, huyện Chư Păh tích cực vận động đóng góp  Quỹ “Vì người nghèo”. Ông Võ Xuân Bảo-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-thông tin: Cuộc vận động đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” đã trở thành hoạt động thường niên và có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. “Từ năm 2010 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã vận động quyên góp được hơn 2 tỷ đồng và tổ chức vận động hàng ngàn hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên trong cuộc sống”-ông Bảo chia sẻ.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đức Cơ nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 1,2%/năm. Ông Tăng Ngọc Trai-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho hay: “Để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh việc hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, gắn vay vốn với hỗ trợ cây-con giống, khuyến nông, khuyến lâm và vận động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị-xã hội, huyện tiếp tục thiết lập cầu nối giữa doanh nghiệp cao su đứng chân trên địa bàn với người nghèo để hỗ trợ giải quyết việc làm. Huyện cũng tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...

Hướng đến giảm nghèo bền vững

Theo bà Rcom Sa Duyên, để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống, UBND tỉnh vừa xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh xác định yếu tố quan trọng nhất là thay đổi tư duy, phương pháp xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp giảm nghèo đa chiều mới. Chính sách và các dự án giảm nghèo triển khai theo hướng giảm dần việc cho không, tăng cường cho vay có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao ý thức tự lực vươn lên của hộ nghèo, cận nghèo; hạn chế tối đa tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân.

Để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung tay của các đoàn thể đối với công tác xóa đói giảm nghèo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Phát động phong trào giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đầu tư cơ sở hạ tầng; phối hợp, giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện có hiệu quả công tác tổng điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm để xây dựng các chương trình, dự án giảm nghèo thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả lâu dài”.

ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm