Xã hội

Gia đình

Không nên tạo áp lực cho con trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Gần 7 tháng nữa, thế hệ “gà vàng”-trẻ sinh năm 2017 mới chính thức bước vào lớp 1. Thế nhưng hiện nay, nhiều phụ huynh đã sốt sắng tìm nơi luyện đọc, viết, tính toán cho con và chạy đua với lịch trình đưa đón con trẻ mỗi ngày.

Nguyên nhân của chuyện này có lẽ xuất phát từ tâm lý phụ huynh nhìn ngó lẫn nhau, thấy con người khác đi học lại sợ con mình thua thiệt nên ép con theo học trước chương trình. Một số phụ huynh thì đặt kỳ vọng ở con quá lớn, muốn con phải viết chữ đẹp, phải học giỏi ngay từ năm đầu bậc tiểu học. Và rồi, các nhóm Zalo trước đây chỉ để trao đổi chuyện con cái tập múa, tập hát bỗng trở thành diễn đàn để các phụ huynh tham khảo, tư vấn và giới thiệu về chuyện cho con học trước chương trình lớp 1.

Có con đang học lớp lá ở trường mầm non nên thời gian này, tôi cũng được một vài phụ huynh gợi ý chuyện lập nhóm khoảng 4-5 trẻ, sau đó mời gia sư đến nhà để dạy. Chi phí cao nhưng với số lượng học sinh không nhiều, giáo viên ít bị chi phối, chất lượng dạy theo đó cũng tốt hơn, phụ huynh không phải lo lắng chuyện đón con sớm hay trễ. Có phụ huynh lại giới thiệu về dịch vụ “lò luyện” sẽ cử người đến tận trường mầm non đón học sinh, đưa đến trung tâm học và phụ huynh chỉ cần đến trung tâm đón con về. Đây được xem là giải pháp tối ưu, giúp cha mẹ yên tâm làm việc, không phải chạy đua với thời gian để đưa đón con từ chỗ học này đến chỗ học khác.

Trước sự giới thiệu nhiệt tình của nhóm phụ huynh có con cùng tuổi, tôi cũng dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn về chuyện cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Không chỉ là chuyện tìm trung tâm gia sư uy tín, chất lượng, tìm giáo viên phát âm chuẩn, tìm khung giờ học phù hợp, mà phụ huynh còn phải xác định rõ con sẽ theo học trường nào? Chỉ khi xác định rõ con học ở đâu, giáo viên ở các trung tâm mới tư vấn về bộ sách giáo khoa cần phải chuẩn bị cho con. Lý do là bởi mỗi trường sẽ sử dụng bộ sách giáo khoa khác nhau, có trường dùng bộ sách Cánh diều, trường lại dùng bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống hoặc Chân trời sáng tạo.

Sự chuyển tiếp trong mỗi bậc học là bước ngoặt trong đời các bé và việc phụ huynh lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Song, có lẽ phụ huynh cũng không nên lo lắng thái quá mà vội gò ép con phải học trước tuổi, học trước chương trình. Hãy để trẻ được phát triển một cách tự nhiên nhất, đừng bắt trẻ phải khoác trên lưng chiếc ba lô nặng trịch với sách giáo khoa, vở bài tập, bút, thước khi con trẻ chưa sẵn sàng cả về tinh thần lẫn thể lực. Con trẻ cũng cần không khí quây quần ấm cúng bên mâm cơm gia đình thay vì ăn vội ổ bánh mì, chiếc bánh bao hay tô bún bên đường cho kịp giờ học. Chúng cũng căng thẳng, mệt mỏi sau 1 ngày vui chơi, học tập cần được nghỉ ngơi, nhận sự quan tâm từ gia đình thay vì tiếp tục ngồi thêm hàng giờ đồng hồ để tập đọc, tập viết và tính toán.

Sự quan tâm quá mức của phụ huynh vô hình trung trở thành áp lực khiến con trẻ mất đi cơ hội được vui chơi, rèn luyện kỹ năng. Chưa kể, việc áp đặt trẻ học trước chương trình dễ khiến các con nảy sinh tâm lý chủ quan, thiếu tập trung và không hứng thú khi học tập sau này. Nên chăng, trong giai đoạn tiền tiểu học, phụ huynh hãy đồng hành, trang bị cho con những kỹ năng cần thiết và tạo cho con tâm lý thoải mái để tự tin, sẵn sàng bước vào lớp 1.

Có thể bạn quan tâm