Thời sự - Bình luận

Không thể phát triển bằng lao động giá rẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đội ngũ công nhân kỹ thuật cao là tài nguyên, vốn quý của quốc gia. Thế nhưng, chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ này cả về số lượng và chất lượng nên năng suất lao động còn thấp. Không thể chỉ cần vốn và lao động giá rẻ mà phải có lực lượng lao động trình độ kỹ thuật cao để phát triển đất nước, bắt kịp yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp gỡ 90 công nhân của các địa phương và 16 ngành kinh tế kỹ thuật cao của đất nước tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh mới đây. 
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Tại cuộc gặp gỡ với chủ đề “Công nhân kỹ thuật cao là một trong những động lực phát triển đất nước”, người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương cùng các công nhân kỹ thuật cao đã cùng nhau trao đổi các nhóm vấn đề chính về đời sống, việc làm, chế độ chính sách liên quan đến việc học tập, đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng và sự phát triển của đất nước trong thời đại khoa học công nghệ.
Sở dĩ mỗi năm 1 lần, Thủ tướng lại có cuộc gặp gỡ với công nhân lao động là bởi có một thực tế, người Việt Nam vốn được tiếng là thông minh, sáng tạo; lao động Việt Nam cần cù chịu khó, nhưng trong số 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động thì chỉ có chưa tới 19% có trình độ kỹ thuật cao. Đem so sánh với 53 triệu lao động trong cả nước thì tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, nếu không thay đổi nhanh cơ cấu lao động này thì hẳn Việt Nam mãi mãi vẫn là một thị trường lao động giá rẻ. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đang đặt ra hàng loạt thách thức cho lực lượng lao động toàn cầu. Lao động Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Nguy cơ mất việc làm do sự thay thế của công nghệ sản xuất tự động hóa và sự cạnh tranh trong chính nội bộ lực lượng lao động có tay nghề cao là chuyện có thật.
Có thể lấy ví dụ từ 2 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may cao nhất là Ấn Độ và Bangladesh thì năm vừa rồi, kim ngạch xuất khẩu ngành này đã giảm đáng kể. Trong khi Ấn Độ có 1,4 tỷ dân, Bangladesh có 300 triệu dân, lương công nhân cũng thấp hơn ta rất nhiều. Nếu cạnh tranh bằng lao động giá rẻ, thâm dụng lao động ở mức độ cao thì quả là khó thành công.
“Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của đất nước”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy.
Từ ý kiến của đội ngũ công nhân kỹ thuật cao và đại diện một số doanh nghiệp, có thể thấy rằng, để có lực lượng lao động chất lượng cao thì phải quan tâm đến khâu đầu vào. Chúng ta thường hô hào gắn đào tạo với sử dụng lao động nhưng tình trạng đào tạo một đằng, sử dụng một nẻo vẫn còn phổ biến. Sinh viên ra trường chưa thể làm việc ngay mà doanh nghiệp phải mất thời gian đào tạo lại, không chỉ về kiến thức chuyên môn mà ngay cả những kỹ năng mềm như giao tiếp, tác phong làm việc, kỷ luật lao động…
Tâm lý chuộng bằng cấp cũng gây ra hệ lụy không nhỏ. Nhiều trường đại học đã hạ điểm chuẩn để “vét” cho hết thí sinh hòng thỏa mãn nhu cầu có tấm bằng đại học của người học và gia đình. Hậu quả là sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Trong khi đó, các trường dạy nghề thì dù đảm bảo đầu ra có việc làm cũng không dễ tuyển sinh.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động phải tự khẳng định mình trong chuỗi sản xuất, tức là phải tự đặt ra nhiệm vụ cho mình là làm ra giá trị sản xuất cao. Nếu không, nguy cơ bị sàng lọc là khó tránh khỏi. Muốn vậy, người lao động phải không ngừng học tập và nâng cao tay nghề.
Theo lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ này đã nhập 34 bộ giáo trình quốc tế và phối hợp với 9 quốc gia khác để liên thông công nhận bằng cấp của nhau; sau đào tạo, học viên học nghề sẽ được công nhận để làm việc trong nước và quốc tế. Hiện nay, đã có trên 3.000 sinh viên và người lao động đang theo học chương trình này. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho thấy việc đào tạo, nâng cao tỷ lệ lao động kỹ thuật cao cho nền kinh tế là hết sức bức thiết.
Xây dựng đội ngũ công nhân lao động kỹ thuật cao là cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, là động lực phát triển của nền kinh tế. Tuy vậy, để thực hiện điều này cần giải quyết đồng bộ nhiều yếu tố. Nếu thu nhập không tương xứng, thời gian làm việc bố trí không hợp lý thì người lao động không thể tái tạo sức lao động chứ chưa nói là nâng cao năng lực sản xuất. Các chương trình đào tạo nghề vì vậy cần gắn với nhu cầu sử dụng để đội ngũ công nhân kỹ thuật Việt Nam không những có tay nghề cao mà còn có trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm