Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Không xây mới, phải đập bỏ 40 móng biệt thự trên Sơn Trà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đập bỏ 40 móng biệt thự xây trái phép trên bán đảo Sơn Trà, không quy hoạch bán đảo thành khu du lịch quốc gia, không xây mới các cở sở hạ tầng và du lịch… Đây là một số kiến nghị vừa được gửi lên các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước…

Ngày 21-7, ông Huỳnh Tấn Vinh-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng và Viện sinh thái học miền Nam vừa có thư kiến nghị gửi các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội để kiến nghị các giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà.

Đây là ý kiến thống nhất của hơn 190 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý… sau Hội thảo bảo vệ và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà ngày 15-7 vừa qua.

Tháo dỡ 40 móng biệt thự

Trong thư kiến nghị, các đại biểu cho rằng, cần xác định Sơn Trà là một Vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam và hoàn trả lại diện tích rừng của Bán đảo Sơn Trà đã bị chuyển sang cho việc quy hoạch du lịch. Giữ nguyên hiện trạng hiện nay ở Sơn Trà. Không xây dựng mới các công trình hạ tầng và du lịch và tháo dỡ ngay 40 móng biệt thự đã xây trái phép.

Ngoài ra, trong bức thư cũng kiến nghị các cấp yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện các biện pháp chống trôi đất xuống biển trước mùa mưa bão 2017. Đặc biệt, các nhà khoa học thống nhất kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng và Chính phủ không quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia để ưu tiên tập trung cho quy hoạch Bán đảo Sơn Trà thành khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đồng thời, xem xét, nghiên cứu có thể thành lập Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Hải Vân-Sơn Trà.


 

Dự án biển Tiên Sa xây dựng 40 móng trái phép.
Dự án biển Tiên Sa xây dựng 40 móng trái phép.



Tiến sĩ Lưu Hồng Trường-Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam phân tích, việc bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà có một thuận lợi hết sức to lớn, đó là công tác bảo tồn nằm ngay trong khu vực chiến lược an ninh quốc gia.

“Sơn Trà hiện đang thực thi nhiệm vụ kiểm soát không lưu và cảnh báo sớm toàn bộ vùng nước Biển Đông, vịnh Bắc Bộ và không phận Đông Nam Á, vì vậy vai trò của quốc phòng đối với vấn đề bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học của Bán đảo Sơn Trà là rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế và giữ gìn bảo vệ an ninh, an toàn xã hội bền vững”, Tiến sĩ Lưu Hồng Trường nhấn mạnh.

Sơn Trà có quá nhiều điều đặc biệt

Trong thư kiến nghị vừa gửi đi có rất nhiều giải pháp cụ thể, chi tiết, quy mô và có tính định hướng lâu dài, bởi vì Sơn Trà có quá nhiều điều đặc biêt, ông Huỳnh Tấn Vinh chia sẻ.

Theo ông Vinh: “Việt Nam có nhiều hòn đảo được gọi là hòn ngọc, đảo ngọc… Nhưng so với bán đảo Sơn Trà nơi “rừng trong lòng thành phố, phố giữa lòng biển khơi”, không thể bằng được. Sơn Trà phải là bán đảo Kim cương…”

Ông Vinh dẫn chứng, cụ thể, có ít nhất 1.010 loài thực vật và 21 loài nấm lớn, trong đó có 43 loài quý, hiếm theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Thảm thực vật ở cao độ thấp hơn 200 mét có vai trò quan trọng bảo vệ an toàn cho loài Chà vá chân nâu. Sơn Trà có 370 loài động vật (38 loài thú, 160 loài chim, 18 loài lưỡng cư, 52 loài bò sát, 19 loài cá và 79 loài côn trùng), trong đó có 24 loài quý, hiếm theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Có từ 700 đến 1.300 cá thể Chà vá chân nâu. Tình trạng sinh trưởng và phát triển tốt, có nhiều con non trong bầy đàn.


 

Sơn Trà có hệ thiên nhiên đặc hữu. Ảnh Lê Phước Chín
Sơn Trà có hệ thiên nhiên đặc hữu. Ảnh Lê Phước Chín


Các nhà khoa học còn cho rằng, bán đảo Sơn Trà đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn nguồn gen và loài trước nguy cơ tuyệt chủng. Loài này phân bố ở tất cả các đai độ cao và sinh cảnh trên bán đảo (kể cả rừng trồng và bãi đá), từ sát mặt nước biển đến độ cao 696 mét.

Giới khoa học còn khẳng định bán đảo Sơn Trà là độc nhất bởi số lượng loài động, thực vật (kể cả loài quý, hiếm, đặc hữu) tập trung cao trên một diện tích rất nhỏ (4.300 ha). Không những vậy, đây là kho cây thuốc tự nhiên với 329 loài, có mật độ phong phú và đa dạng, trong số đó có 8 loài cây thuốc quý thuộc diện bảo tồn cấp quốc gia. Đây là một trong số ít nơi ở Việt Nam là khu bảo tồn thiên nhiên còn có cảnh quan rừng tự nhiên gắn liền với biển.

Theo Danviet

Có thể bạn quan tâm