Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Không xếp hạng, bỏ điểm trung bình tổng, học sinh cảm thấy thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vừa trải qua kỳ kiểm tra học kỳ 1 và nhận được kết quả các môn học, học sinh chia sẻ về tình trạng học tập sau khi áp dụng việc bỏ xếp hạng và điểm trung bình tổng.

Học đúng sở trường, giảm tải áp lực

Bên cạnh những băn khoăn về việc "mất lửa" thi đua trong học tập, không thể phủ nhận việc bỏ xếp hạng và điểm trung bình tổng đã giúp nhiều học sinh bớt lo lắng, giảm tải áp lực. Đặc biệt, trước đó xảy ra nhiều trường hợp học sinh chỉ thiếu 0,1 điểm trung bình để đạt danh hiệu học sinh khá/giỏi.

H.Y (lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM) chia sẻ, trước đây, việc xếp hạng đôi lúc thúc đẩy bản thân cố gắng kéo điểm tổng nhưng lại không duy trì được lâu, dần dà cảm thấy gánh nặng.

"Không có điểm trung bình tổng hay thứ hạng khiến em không cảm thấy thua thiệt so với bạn bè. Biết điểm của từng môn đã đủ khách quan và mỗi bạn sẽ có sự phấn đấu, tinh thần thi đua khác nhau để cải thiện môn học đó. Việc chia ban theo tổ hợp cũng giúp em đỡ căng thẳng vì các môn lựa chọn đều đúng với sở trường", H.Y cho biết.

Giáo viên có nhiều cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Chương trình GDPT 2018. Trong ảnh, giáo viên cho học sinh sử dụng kính thiên văn để quan sát bầu trời sao khi học môn vật lý. Ảnh: NVCC

Giáo viên có nhiều cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Chương trình GDPT 2018. Trong ảnh, giáo viên cho học sinh sử dụng kính thiên văn để quan sát bầu trời sao khi học môn vật lý. Ảnh: NVCC

Chọn những môn như lịch sử, địa lý, kinh tế pháp luật, Bảo Thy (lớp 10, Trường THPT Võ Văn Kiệt TP.HCM) cũng đồng tình với việc chọn ban theo tổ hợp giúp bản thân phát huy năng lực sở trường, định hướng rõ hơn về ngành học, công việc tương lai.

"Đã có nhiều trường hợp xếp hạng không đúng, điểm ảo là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới việc đánh giá năng lực thực sự của học sinh. Quy định bỏ xếp hạng giúp chúng em đỡ áp lực về thành tích", nữ sinh cho hay.

Một số học sinh khác như Minh Tài (lớp 10, Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM) cho rằng việc không có điểm trung bình tổng khuyến khích học sinh học các môn chân thực và chân thành, thay vì chỉ tập trung vào một số môn để nâng cao điểm trung bình hay áp lực khi phải học những môn không thích.

Với quy định mới được áp dụng từ năm học 2022-2023, thầy Phạm Điền Khoa, giáo viên vật lý Trường THPT Trần Khai Nguyên TP.HCM, cho biết, phụ huynh và học sinh lớp 10 ban đầu khá bất ngờ vì cuối học kỳ 1 không có điểm trung bình tổng. Theo thầy Khoa, học sinh khá vui vì không phải bị so sánh nhưng do quen với cách đánh giá cũ nên cũng có quý phụ huynh tò mò muốn biết hạng của con em.

"Mỗi học sinh có năng lực và năng khiếu riêng. Việc bỏ xếp hạng và điểm trung bình tổng giúp các em tự tin và đỡ áp lực khi phải cố gắng học tất cả các môn học, kể cả môn không phải sở trường của mình", thầy Khoa chia sẻ.

Đồng quan điểm, cô Ngô Hồ Minh Ngọc, giáo viên ngữ văn Trường THPT Gia Định TP.HCM, cho hay, phương pháp đánh giá mới giúp học sinh hạn chế bị so sánh với "con nhà người ta", mà chỉ cần chú tâm đầu tư vào những môn các em yêu thích.

"Điểm số lúc này trở thành phần tham khảo đánh giá năng lực, hỗ trợ học sinh định hướng việc học của mình: đúng mục tiêu, đúng sở trường", cô Ngọc nhận định.

Chương trình GDPT 2018 cho phép giáo viên được đa dạng hóa hình thức kiểm tra, mỗi một hình thức đều có thang điểm đánh giá rõ ràng và cụ thể.

"Trong môn vật lý, khi yêu cầu học sinh làm sản phẩm là xe phản lực, tôi sẽ có thang điểm rõ về kỹ thuật, nguyên lý, hình thức và sáng tạo. Điều này giúp đảm bảo tính pháp lý và công bằng cũng như đánh giá đúng năng lực của học sinh", thầy Phạm Điền Khoa chia sẻ. Ngoài hình thức kiểm tra truyền thống trên giấy, thầy Khoa cũng cho học sinh sáng tạo qua việc thiết kế hệ thống giảm xóc có dù hỗ trợ khi cho vật rơi, thiết kế trang phục từ nguyên liệu tái chế, sử dụng kính thiên văn để quan sát bầu trời sao…

Với đặc thù mỗi môn, cô Ngô Hồ Minh Ngọc, giáo viên ngữ văn Trường THPT Gia Định TP.HCM, cho hay giáo viên có thể linh động, đa dạng hình thức đánh giá.

"Trong môn ngữ văn, giáo viên có thể đánh giá năng lực nghe-nói-đọc-viết của học sinh bằng một số hình thức như viết cảm nhận về sách và chia sẻ trên mạng xã hội để lan tỏa văn hóa đọc; thiết kế hay vẽ tranh ảnh về sách, thiết kế podcast…", cô chia sẻ một số phương pháp đã áp dụng.

Học sinh chế tạo các sản phẩm cho môn vật lý. Ảnh: NVCC

Học sinh chế tạo các sản phẩm cho môn vật lý. Ảnh: NVCC

Cô Ngọc cho biết, những hình thức đánh giá khả năng vận dụng, thực hành của học sinh sẽ giúp các em tham gia tích cực và phát huy thêm năng lực làm việc nhóm, năng lực sáng tạo. Để những hình thức đánh giá này thêm mới mẻ, giáo viên có thể dùng chính bình luận, biểu tượng cảm xúc, tương tác trên mạng xã hội để chia sẻ, trao đổi phần đánh giá của mình cho bài thực hành của các em.

Về phía học sinh, Bảo Thy bày tỏ, thầy cô có thể đánh giá năng lực của học sinh một cách khách quan hơn thông qua việc các em vận dụng kiến thức đã học, sáng tạo các bài thuyết trình, mô hình sản phẩm, tình huống thực tế.

Vừa hoàn thành kỳ thi cuối học kỳ 1, nữ sinh hy vọng thay vì gửi những bảng điểm "khô cứng", giáo viên có thể đưa ra nhận xét khách quan về năng lực, thế mạnh của mỗi học sinh.

Còn Minh Tài (lớp 10, Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM) cho rằng, khi không còn xếp hạng và điểm trung bình tổng, giáo viên có thể thúc đẩy tinh thần thi đua bằng cách cho học sinh thực hành dự án cá nhân hoặc chia sẻ kiến thức với nhau.

Kết quả học tập được đánh giá theo một trong 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt

Trong Thông tư 22 năm 2021, Bộ GD-ĐT nêu rõ 2 hình thức đánh giá các môn học gồm: đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số.

Đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số đối với các môn học trong Chương trình GDPT.

Thông tư 58 trước đây có quy định về điểm trung bình học các môn để lấy căn cứ xếp loại học lực học sinh trong học kỳ và cả năm thì ở Thông tư 22 quy định này đã không còn. Điểm trung bình học kỳ và năm học chỉ được tính của riêng cho từng môn học.

Như vậy, bảng điểm của học sinh sẽ không có tổng điểm trung bình tất cả môn - vốn là tiêu chí quan trọng để xếp loại học lực giỏi, khá, trung bình hay yếu, kém, tạo ra sự so sánh để xếp hạng học sinh trong lớp hay trong trường như trước đây.

Thay vì cộng điểm trung bình tất cả môn học để xếp loại học sinh, bảng điểm từng môn của học sinh sẽ được giữ nguyên. Kết quả học tập trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo một trong 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.

Mức tốt: Tất cả môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá ở mức đạt. Tất cả môn đánh giá bằng nhận xét và điểm số thì có điểm từ 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt 8,0 trở lên.

Mức khá là tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức đạt; điểm số các môn 5,0 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình đạt 6,5 trở lên.

Mức đạt có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức chưa đạt, ít nhất 6 môn có điểm từ 5,0 trở lên; không có môn học nào dưới 3,5 điểm.

Mức chưa đạt là các trường hợp còn lại.

Có thể bạn quan tâm