Kinh tế

Nông nghiệp

Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai quyết liệt ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người chăn nuôi tại khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đang gặp không ít khó khăn khi dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại. Chính quyền địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, không để dịch lây lan diện rộng.

Nhiều địa phương có dịch

Sau hơn 3 tháng công bố dịch tả heo châu Phi tại xã Chư Răng, đến nay, huyện Ia Pa có 6/9 xã xuất hiện ổ dịch gồm: Ia Trok, Ia Ma Rơn, Kim Tân, Chư Răng, Pờ Tó và Ia Tul. Tổng số heo chết là 676 con với tổng trọng lượng trên 46 tấn. Trong đó, xã Chư Răng và Pờ Tó bị thiệt hại nặng nề nhất. Đến nay, xã Chư Răng đã tiêu hủy 260 con heo với trọng lượng 20,5 tấn, xã Pờ Tó tiêu hủy 214 con với trọng lượng 15,1 tấn. Tại xã Ia Ma Rơn, dịch tả heo châu Phi xuất hiện từ đầu tháng 9 tại đàn vật nuôi của bà Trịnh Thị Hoa (thôn Đoàn Kết). Sau đó, dịch nhanh chóng lan ra 6/10 thôn, buôn. Toàn xã có 59 con heo bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy với trọng lượng 3,7 tấn.

Bà Trịnh Thị Hoa cho biết: Năm 2019, đàn heo hơn chục con của gia đình chết hàng loạt do dịch tả heo châu Phi. Lo sợ dịch bùng phát trở lại, hơn 1 năm qua, bà không dám tái đàn. Đầu năm 2021, bà mới gây giống trở lại. Chỉ trong 2 ngày, 13 con heo lần lượt bỏ ăn rồi lăn ra chết khiến gia đình không kịp trở tay. Cán bộ thú y xuống lấy mẫu và hỗ trợ gia đình tiêu hủy. Kết quả xét nghiệm cho thấy heo bị dịch tả châu Phi.

Lực lượng chức năng xã Chư Răng (huyện Ia Pa) chở heo bị nhiễm bệnh của gia đình ông Lê Văn Theo đi thiêu hủy.Ảnh. Vũ Chi.jpg
Lực lượng chức năng xã Chư Răng (huyện Ia Pa) chở heo bị nhiễm bệnh của người dân đi thiêu hủy. Ảnh: Vũ Chi


Trong khi đó, tại huyện Phú Thiện, dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở xã Ia Peng từ ngày 2-9 trên đàn heo 19 con của gia đình bà Lê Thị Thùy Trang (thôn Bình Trang). Sau hơn 1 tháng không phát hiện lây lan thì giữa tháng 10, dịch tiếp tục xuất hiện tại nhà ông Nguyễn Văn Sơn (buôn Sô Ma Hang B) làm chết 6 con heo. Ngay sau khi nắm được thông tin, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại để diệt mầm bệnh và tránh lây lan cho các hộ xung quanh.

Thị xã Ayun Pa là địa phương thứ 3 ở khu vực Đông Nam tỉnh công bố dịch tả heo châu Phi tái phát từ ngày 3-10 tại phường Cheo Reo. Đến nay, dịch xuất hiện tại phường Sông Bờ, làm chết 55 con heo với tổng trọng lượng 3,2 tấn. Ông Phạm Trường Thanh (tổ 3, phường Sông Bờ) cho hay: “Gia đình tôi nuôi 19 con heo thì 8 con bị bệnh rồi lăn ra chết, 11 con còn lại đang được nhốt riêng, tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên. Hy vọng chúng sẽ vượt qua được đợt dịch này”.

Quyết liệt khống chế dịch bệnh

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh bùng phát, ngành chức năng các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm khống chế dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Nhật-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn-cho biết: Ngay sau khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch, tiến hành hỗ trợ các gia đình tiêu hủy heo nhiễm bệnh, cấp phát 166 lít hóa chất diệt côn trùng và tiêu độc khử trùng tại các gia đình có heo nhiễm bệnh và các hộ lân cận. Đến nay, thôn Kim Năng và Đoàn Kết đã trải qua 21 ngày không phát hiện thêm heo chết, các thôn còn lại cũng chỉ xảy ra rải rác. Xã đã hoàn tất thủ tục đề nghị hỗ trợ cho 4 hộ gia đình bị thiệt hại trong giai đoạn đầu với mức 38.000 đồng/kg, các gia đình còn lại xã đang tiếp tục tổng hợp, đề xuất.

 Người dân xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại để diệt mầm bệnh. Ảnh: Vũ Chi
Người dân xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại để diệt mầm bệnh. Ảnh: Vũ Chi


Thị xã Ayun Pa là địa phương xảy ra dịch tả heo châu Phi liên tiếp trong 3 năm gần đây. Ông Trần Đức Vinh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã-cho hay: Dịch tả heo châu Phi tái phát nhiều lần, khó xử lý dứt điểm do nhiều nguyên nhân như chưa có vắc xin phòng bệnh, điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo, mầm bệnh cũ còn tồn tại trong chuồng trại, thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh… Chính vì vậy, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Trung tâm phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh về tình hình dịch bệnh, khuyến cáo hộ chăn nuôi thường xuyên phun hóa chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Khi phát hiện heo bệnh, nghi nhiễm bệnh thì cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và có biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời, tuyệt đối không bán chạy heo bệnh, vứt xác heo chết bừa bãi. Trong thời điểm này, người dân nên hạn chế tái đàn để tránh rủi ro, thiệt hại về kinh tế.

Còn ông Kim Ngọc Lượng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện thì phân tích: Dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, tỷ lệ heo chết lên đến 100%, bệnh lây lan nhanh và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Hiện nay, bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, giải pháp phòng bệnh được đặt lên hàng đầu, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi mới phát sinh sẽ tránh được tình trạng dịch bệnh lây lan diện rộng. Ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi khi tái đàn phải kê khai với chính quyền địa phương, mua heo giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tin cậy và nuôi cách ly 2-3 tuần trước khi nhập đàn; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý, khoa học để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

 

 VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm