Nguyễn Bảo Khánh (34 tuổi, ở TP.HCM) từng là ông chủ quán cà phê đông khách ở TP.HCM, nhưng dịch Covid-19 đã 'càn quét' tất cả. Tuy nhiên sau bước ngoặt này, cuộc sống của Khánh đã bước sang một trang mới... khởi sắc hơn.
Nhiều người bảo Khánh... điên khi bỏ phố về rừng sinh sống, nhưng anh chứng minh quyết định này là không sai bằng chính thành công của mình. Ảnh: H.B.T |
Vô số khó khăn những ngày đầu...
Khánh kể các đợt dịch Covid-19 liên tiếp bùng phát ở TP.HCM đã làm xáo trộn cuộc sống của anh, “đánh sập” luôn quán cà phê mà anh dành nhiều tâm huyết, công sức, tiền bạc suốt nhiều năm trời. Một lần lên H.Krông Búk (Đắk Lắk) để tránh dịch, Khánh nghĩ “hay là ở lại miền đất Tây nguyên này để kiếm kế sinh nhai?”.
Khánh lý giải sở dĩ có suy nghĩ đó vì vừa được tận hưởng không khí trong lành của đất Tây nguyên, điều hiếm có ở TP.HCM. Ngoài ra, anh đã nhìn thấy tiềm năng giá trị nông sản của miền đất hoang vu ấy.
Và rồi Khánh quyết định ở lại. Chàng trai 34 tuổi liền rủ bạn, dốc toàn bộ số tiền còn lại, vay mượn thêm gia đình để thuê và mua 5.500 m2 đất lên kế hoạch khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch. Khánh xây dựng nông trại theo hướng chia sẻ. Ngoài việc xây dựng những homestay gần gũi với thiên nhiên để phục vụ du khách, anh còn tạo dựng các trang trại chăn nuôi chó cưng, kết hợp kinh doanh những mặt hàng nông sản địa phương...
Khánh nhớ lại những ngày đầu tiên bắt tay khởi nghiệp, vô số những khó khăn ập đến. Ngoài việc nỗ lực thích ứng với môi trường sống mới lạ, thì anh còn gặp khó khăn trong việc tìm được nhà vườn có giống nông sản cũng như kỹ thuật chăm sóc phù hợp. Không dễ để tìm được những đại lý uy tín để có những sản phẩm chất lượng và giá thành tốt nhất đến tay người tiêu dùng... “Để vượt qua được là cả một quá trình dài nhiều tháng thăm dò. Bản thân mình luôn cố gắng học hỏi, luôn tâm niệm không có khó khăn nào là không thể vượt qua. Cứ đi là sẽ đến. Có nỗ lực thì mới chạm được thành công”, Khánh tâm sự.
…và thành công
Dù thời gian thử sức khởi nghiệp ở lĩnh vực hoàn toàn mới chưa lâu, thế nhưng Khánh đã đạt được những thành công ban đầu, có thu nhập cao hơn cả lúc kinh doanh cà phê ở TP.HCM “thời vàng son”.
Khánh hiện sở hữu đàn chó cảnh giống Corgi và Poodle lên đến hàng chục con. Trong đó nhiều chú chó giống đã sinh sản để bán ra thị trường. “Mình vẫn tiếp tục nhân rộng và có sự kết hợp bao tiêu con giống cho những người nuôi chó cảnh khác trong vùng”, Khánh nói thêm.
Hệ thống nông trại của Khánh cũng là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống, thu hút giới trẻ khắp nơi đến cắm trại, dã ngoại khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát.
Dịch Covid-19 hoành hành tàn phá nhiều thứ. Nhưng nếu cứ buồn bã, âu lo, rầu rĩ sẽ khiến cuộc sống ngày càng bế tắc. Thay vào đó nên suy nghĩ lạc quan, tìm ra cơ hội khác. Nguyễn Bảo Khánh |
Chưa dừng lại, chàng trai 34 tuổi còn tận dụng tối đa thời gian để sản xuất rau sạch và các loại cây hoa giống tạo thêm thu nhập.
Ngoài ra, Khánh còn phát triển thêm mảng kinh doanh nông sản sạch của Tây nguyên. Theo đó, Khánh liên kết những mô hình khởi nghiệp tại địa phương với những sản phẩm (cả thô lẫn đã chế biến) như: bơ, sầu riêng, cà phê, mắc ca, hạt tiêu, trà mãng cầu… để giới thiệu đến khách hàng cả nước trên các sàn thương mại điện tử, trang web bán hàng trực tuyến, mạng xã hội...
“Trong nguy luôn có cơ”
Cần kể thêm là trước khi có quyết định cực kỳ nhanh và quyết đoán ở lại một nơi lạ nước lạ cái để khởi nghiệp, Khánh đã được cấp thị thực đi định cư ở Slovakia. Thế nên khi nghe Khánh trả lời “không đi nữa”, gia đình anh đã tá hỏa và khuyên can, giận, thậm chí cấm cản rất nhiều. “Nhưng mình cố gắng thuyết phục là sẽ làm được, sẽ thành công với những dự án khởi nghiệp. Và rồi tới giờ gia đình không còn giận nữa mà yên tâm và hài lòng với những gì mình đang đạt được”, Khánh tâm sự.
Theo Khánh, bỏ qua những con số về thu nhập hằng tháng, cuộc sống thoải mái ở Tây nguyên với không khí trong trẻo, an lành... thì việc giúp cuộc sống của người dân địa phương đủ đầy hơn, đỡ cơ cực hơn khi nông sản được bán ra nhiều hơn khiến Khánh hạnh phúc. Chưa kể Khánh còn giúp tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Nhìn lại những gì đã trải qua, Khánh chiêm nghiệm: “Dịch Covid-19 hoành hành tàn phá nhiều thứ. Nhưng nếu cứ buồn bã, âu lo, rầu rĩ sẽ khiến cuộc sống ngày càng bế tắc. Thay vào đó nên suy nghĩ lạc quan, tìm ra cơ hội khác. Bởi trong nguy luôn có cơ. Nếu như không có dịch có lẽ mình không có cơ hội để thử sức, khám phá giới hạn bản thân, không biết nỗ lực và cố gắng hơn”.
Nói về thời gian sắp tới, Khánh cho rằng khi mọi người đã sẵn sàng và an tâm với tâm thế “sống chung với dịch” thì khách sẽ đến nông trại nhiều hơn, có thể lên đến 400, 500 khách mỗi tháng đến lưu trú. Vì lẽ đó, Khánh đang cố gắng hoàn thiện các dịch vụ tốt nhất có thể để làm hài lòng du khách. Bên cạnh đó sẽ thành lập công ty chuyên phân phối nông sản chất lượng cao từ những nhà vườn với giá hỗ trợ cao so với thị trường, đưa đến tay người tiêu dùng với chất lượng và giá tốt nhất. Đồng thời anh cũng mở rộng thêm mô hình các đại lý, cửa hàng phân phối nông sản, đặc biệt là cà phê...
Theo Hà Bảo Thanh (TNO)