Giếng trời sẽ giúp ngôi nhà lấy ánh sáng tự nhiên. Ảnh: MM Home |
Giếng trời là khoảng không gian thẳng đứng được thiết kế thông từ mái xuống tầng trệt của công trình, giúp đón gió, thông khí và ánh sáng từ trên cao xuống tầng dưới. Đặc biệt ở những ngôi nhà có diện tích nhỏ, thiếu sân vườn thì giếng trời là không gian quan trọng giúp ngôi nhà đón được ánh sáng tự nhiên.
Với ngôi nhà ở thành phố xung quanh có nhiều nhà cao tầng thì giếng trời sẽ giúp ngôi nhà thoáng mát, trong lành và dễ chịu hơn, không còn cảm giác bí bách.
Cấu tạo của giếng trời được chia làm 3 phần gồm đáy giếng, thân giếng và đỉnh giếng.
Đáy giếng là phần dưới cùng, nơi này thường được bố trí cảnh quan, trồng cây xanh…; Thân giếng là phần kéo dài xuyên suốt của ngôi nhà; đỉnh giếng là phần cao nhất, đây cũng là vị trí quan trọng nhất quyết định ánh sáng của ngôi nhà, khu vực này có thể có mái hoặc không mái, thông thường sẽ được sử dụng mái trong suốt để lấy ánh sáng tốt hơn.
Việc xác định vị trí của giếng trời sẽ dựa trên diện tích và chiều dài của ngôi nhà, thông thường giếng trời sẽ được đặt ở cuối nhà hoặc giữa nhà, những vị trí thiếu ánh sáng hoặc cần thông khí.
Theo nhiều kiến trúc sư, kích thước của giếng trời sẽ linh động tùy vào diện tích và độ cao của công trình, nhưng nhỏ nhất là 45x45 cm. Với nhà có nhiều cửa sổ kích cỡ giếng trời nên nhỏ hơn 5% diện tích mặt sàn và nhỏ hơn 15% nếu nhà ít cửa sổ, kích thước lí tưởng từ 4 - 6 m2. Với kích thước này, giếng trời sẽ hài hòa và không gây ảnh hưởng đến không gian chung của toàn bộ ngôi nhà.