Thời sự - Bình luận

Kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Số liệu về tăng trưởng GDP quý II/2024 và 6 tháng đầu năm 2024 vừa công bố cho thấy những con số tích cực, phục hồi quý sau tốt hơn quý trước.

Tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm ngoái (3,84%).

Tổng thể bức tranh kinh tế cả nước phục hồi tích cực ở cả 3 khu vực, nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ. Xuất khẩu tăng tích cực; đầu tư FDI duy trì đà tăng trưởng khá mạnh trong khi đầu tư công dù chậm hơn một số lĩnh vực khác nhưng vẫn có tiến triển. Đầu tư tư nhân phục hồi tích cực hơn nhiều so với quý đầu năm…

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 4,08% (lạm phát cơ bản tăng 2,75%). Dù áp lực lạm phát vẫn còn, không chủ quan nhưng cũng không quá đáng lo. Bởi về cơ bản, cung tiền ra nền kinh tế năm nay tương đương năm ngoái và vòng quay tiền chỉ nhanh hơn một chút.

Năm nay, dù điều chỉnh tăng lương, giá điện, giáo dục, y tế… nhưng đổi lại giá xăng dầu ổn định. Giá cả hàng hóa thế giới ổn định, các chỉ số giá nhập khẩu, xuất khẩu đều không đột biến. Yếu tố nhập khẩu lạm phát gần như không nhiều, trong khi các yếu tố tác động tới lạm phát trong nước từ giáo dục, y tế, tăng lương vẫn trong tầm kiểm soát.

Như việc điều chỉnh lương, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nếu những người được tăng lương tiêu dùng khoảng 80% số tiền lương tăng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP khoảng 0,3 điểm %, lạm phát tăng khoảng 0,2 điểm % thì vẫn nằm trong tính toán của Chính phủ và Quốc hội. Áp lực tỉ giá trong nửa đầu năm tăng cao hơn mọi năm sẽ tác động tới lạm phát, nhưng nửa cuối năm sức ép này sẽ giảm bớt. Điều này giúp kiểm soát lạm phát cả năm khoảng 4%, vẫn nằm trong mục tiêu của Chính phủ 4,5%-5%. Tăng trưởng tín dụng khoảng 13%-14%. Dự báo về tăng trưởng kinh tế cho năm nay khoảng 6,5%, khá sát với mục tiêu của Chính phủ (6%-6,5%).

Những thách thức của nền kinh tế phải kể đến liên quan tới đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ các yếu tố quốc tế, ảnh hưởng chi phí của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đầu tư công chưa có sự đột phá như kỳ vọng; các thể chế cho tăng trưởng số, tăng trưởng xanh vẫn chưa mạnh, vẫn có tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm... Để duy trì động lực tăng trưởng, các giải pháp trọng tâm được đưa ra là chính sách tài khóa giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.

Lúc này, việc nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách là hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, giữ mặt bằng lãi suất - nhất là lãi suất cho vay, lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng; chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn nhằm giảm rủi ro, chi phí, tăng tính lành mạnh và hiệu quả của thị trường.

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm