Thời sự - Bình luận

Giá, lạm phát và lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 1/7, hơn 3 triệu cán bộ hưu trí được lĩnh lương hưu mới sau khi quyết định tăng lương cơ bản có hiệu lực.

Cầm món tiền trên tay hay mở tài khoản ra kiểm tra, nhiều người già về hưu nay không thể kìm được niềm vui sướng.

Với mức điều chỉnh lương trung bình 6%, tăng lương cơ bản đã lập tức kéo khoản tiền hưu trí mỗi tháng cho những người về hưu từ vài trăm tới cả vài triệu đồng.

Tại lần tăng lương này, sự thận trọng của các cấp ngành được kiểm soát tối đa với tâm điểm xoáy vào lưu ý, làm sao để không xảy ra tình cảnh tăng lương mà hàng hóa dịch vụ không tăng giá kiểu “té nước theo mưa”? Trên nghị trường, có đại biểu Quốc hội nêu vấn đề: Những bài học về lương chưa tăng giá đã tăng còn hiện hữu. Chúng ta phải làm sao đừng để người dân không phải than vãn chưa điều chỉnh, lương tôi còn mua được 12 kg thịt bò, điều chỉnh tăng lương xong, giá thịt lên nhanh đến mức tính theo lương mới, chỉ còn mua được 10 kg.

Từ đầu năm tới nay, thông tin về thị trường vàng lên cơn sốt giá leo lên tới 92 triệu đồng/lượng, giá USD vọt lên ngưỡng 26.000 VND/USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 2,75% trong đó có phần nhiều vì giá dịch vụ y tế tăng, giá thịt lợn tăng, rồi những nhóm hàng hóa tiêu dùng khác tăng. Âu cũng là điều đáng ngại. Lương chưa tăng, giá đã tăng. Giá các mặt hàng trọng yếu phi mã đến mức, có những thời khắc đặc biệt, cơ quan quản lý phải can thiệp.

Theo tổng cục thống kê, tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi CPI tăng khoảng 108%. “Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người hưởng lương, tạo điều kiện cho người hưởng lương nâng cao năng suất lao động…”- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Thu Oanh đánh giá. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng thừa nhận, hiện tượng “té nước theo mưa” vẫn xảy ra cục bộ hoặc khi bị tác động hiệu ứng tăng giá đô-mi-nô của mặt hàng nào đó tăng.

Giải pháp “ngăn” những biến động hiệu ứng này sẽ là gì? Theo các chuyên gia, đối với việc tăng giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý, thời điểm này, chúng ta không nên điều chỉnh nhiều loại giá cùng một thời điểm, đặc biệt không nên dồn vào cuối năm, là dịp nhu cầu tiêu dùng tăng cao vì khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm 2025. Cùng với đó, với tổng số tiền lương tăng đưa thêm khoảng hơn 15 ngàn tỷ ra nền kinh tế, các kênh điều vốn khác cho sản xuất như ngân hàng, đầu tư công, chính sách tiền tệ và tài khóa phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Có như vậy mới kỳ vọng kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời, không để hiệu ứng tăng lương, tăng giá có cơ hội “quẫy đạp”, gây khó (?!)

Có thể bạn quan tâm