Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Kiểm toán NN kết luận 10 vụ, tới vụ người nộp thuế kiện ra tòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ thực tế cơ quan Kiểm toán Nhà nước kết luận 10 vụ, tới 8 vụ người nộp thuế kiện ra tòa và cơ quan thuế bị xử thua. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đề xuất, cần quy định rõ trong luật là nếu cơ quan nào sai thì phải chịu trách nhiệm về quyết định, kết luận của mình.
 
Hai ông Đinh Tiến Dũng Dũng và Hồ Đức Phớc đã có nhiều tranh luận về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước khi kiểm toán cơ quan thuế
Dù trải qua nhiều lần sửa đổi, thảo luận và dự kiến sẽ được các ĐBQH bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, song Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với nội dung về quyền khiếu nại, khiếu kiện của cơ quan thuế, người nộp thuế đối với các kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khi cơ quan này thực hiện việc kiểm toán tại cơ quan thuế vẫn thu hút nhiều ý kiến tranh luận khác nhau từ phía Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, các ĐBQH chuyên gia kinh tế.
Chuyện kiểm toán kết luận nhưng cơ quan thuế bị kiện
Từ trường hợp Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán và truy thu thuế Unilever được nêu ra tại kỳ họp thứ 6, cuộc tranh luận giữa Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc được tiếp nối tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV với câu chuyện kiểm toán kết luận nhưng cơ quan thuế bị kiện. Trước đó, cả hai ông Đinh Tiến Dũng Dũng và Hồ Đức Phớc đã có những tranh luận ở một số phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
 
 Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu vấn đề: “Luật Kiểm toán nhà nước quy định báo cáo kiểm toán là bắt buộc phải thực hiện, nhưng báo cáo này không phải quyết định hành chính. Tổng Kiểm toán nhà nước là người xử lý khiếu nại cuối cùng, trong thực tiễn khi cơ quan thuế chấp hành kết luận của Kiểm toán, của Thanh tra ra quyết định thu thuế của người nộp thuế mà kết luận kiểm toán, thanh tra tại cơ quan quản lý thuế đã xảy ra nhiều trường hợp khiếu kiện, khiếu nại. Nhiều trường hợp họ chấp hành rất tốt, nhưng một số trường hợp họ không đồng ý và họ kiện ra tòa quyết định truy thuế của cơ quan thuế, chứ không kiện kết luận của Kiểm toán nhà nước hay của Thanh tra Chính phủ”.
 
Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc. (Ảnh: TTXVN)
Phản hồi thông tin do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu ra, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho rằng: “Khi cơ quan kiểm toán thanh tra vào cơ quan thuế thì cơ quan thuế chịu trách nhiệm và phải giải trình. Như vậy, khi kiểm tra một hồ sơ nào đó thì cơ quan thuế cử cán bộ để làm việc với cơ quan thanh tra và cán bộ kiểm toán chịu trách nhiệm phối hợp, cung cấp hồ sơ, giải trình và phản biện.
Khi lập biên bản rồi thì điều đó có nghĩa là cơ quan thuế đã cùng với Kiểm toán nhà nước làm thì kết luận của Kiểm toán nhà nước và thanh tra là kết luận cơ quan thuế phải thực hiện vã rõ ràng cơ quan thuế phải ra quyết định để người nộp thuế phải nộp thuế, người nộp thuế không đồng ý thì kiện quyết định của cơ quan thuế là đúng và chúng tôi chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với cơ quan thuế và cơ quan thuế cũng có quyền đồng ý hoặc không đồng ý hoặc khiếu kiện đối với kết luận kiểm toán”
Trước đó, trao đổi tại buổi thảo luận tổ về Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng nêu quan điểm: “Các tổ chức, cá nhân liên quan có quyền kiện Kiểm toán Nhà nước khi kết luận kiểm toán xâm phạm tới quyền lợi của họ. Cơ quan Nhà nước mà chúng tôi tiến hành kiểm toán có đối tượng trực tiếp của Kiểm toán Nhà nước, còn các tổ chức, cá nhân liên quan là đối tượng liên quan. Họ có quyền kiện Kiểm toán Nhà nước nếu kiểm toán làm không đúng, chúng tôi muốn mọi việc phải minh bạch.
Vậy nên, khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành đối chiếu với cơ quan có liên quan, cơ quan quản lý hành chính Nhà nước cũng phải tham gia, rồi giải trình vì sao lại làm như vậy, làm như vậy có đúng chính sách pháp luật của Nhà nước không?”
Kiểm toán Nhà nước kết luận 10 vụ, tới 8 vụ người nộp thuế kiện ra tòa
Nhìn nhận vấn đề từ góc độ người xây dựng chính sách, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, chia sẻ thực tế, đó là trong hơn 45 năm làm trong lĩnh vực thuế, bà đã chứng kiến những vụ việc tồn tại từ lâu song vẫn chưa xử lý được liên quan đến Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về thuế.
“Vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Sabeco, Unilever Việt Nam và yêu cầu truy thu hàng trăm tỷ đồng thuế, nhưng đến nay chưa thu được”, bà Nguyễn Thị Cúc dẫn chứng.
 
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam
Theo bà Cúc, trong thực tế, cơ quan Kiểm toán Nhà nước kết luận 10 vụ, tới 8 vụ người nộp thuế kiện ra tòa. Kết quả, cơ quan thuế bị xử thua, phải trả toàn bộ án phí và trả lại tiền cho người nộp thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc nói: “Tiền thì có thể trả lại được, nhưng uy tín, thương hiệu của một DN bị cho là trốn thuế hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thì xử lý như thế nào? Cho nên, chúng tôi mong muốn rằng, nếu thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN, thì Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước với chức năng của mình, khi thực hiện thanh tra, kiểm toán phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
Từ đây, bà Cúc kiến nghị, cần quy định rõ trong luật là nếu cơ quan nào sai thì phải chịu trách nhiệm về quyết định, kết luận của mình.
“Không thể cứ có kết luận yêu cầu cơ quan thuế thu, còn không thu được thì cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cần quy định rõ trường hợp, nếu Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước trực tiếp thanh tra, kiểm toán tại DN thì phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định, kết luận của mình”.
Trường hợp cơ quan KTNN không trực tiếp kiểm toán DN, mà tiến hành kiểm toán cơ quan thuế, thông qua đó phát hiện người nộp thuế khai thiếu, thì phải chuyển trích lục đó cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế phải giải trình, tiếp thu và căn cứ vào quy định của pháp luật về thuế để tính thuế, chứ không thể theo kết luận của cơ quan KTNN. Có như vậy mới đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trước pháp luật.
Nguyên Phương (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm