Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu: Xử lý nghiêm, tuyên truyền sâu rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nay đến cuối tháng 9-2023, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu. Việc kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời lồng ghép tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).

Kiểm tra đột xuất

Theo ông Đỗ Tấn Thạnh-Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp này như các cơ sở sản xuất bánh Trung thu, bánh ngọt, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, kinh doanh tạp hóa…

Nội dung kiểm tra liên quan đến vấn đề cơ sở pháp lý hoạt động, về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP); giấy chứng nhận cơ sở đạt ISO, HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) và tương đương (nếu có). Ngoài ra, đoàn còn kiểm tra giấy chứng nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ tài liệu pháp lý theo quy định.

Đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2023 của tỉnh kiểm tra tại cơ sở chế biến thực phẩm Thiên Phú (50 Lê Lợi, phường Hội Thương, TP. Pleiku). Ảnh: N.N

Đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2023 của tỉnh kiểm tra tại cơ sở chế biến thực phẩm Thiên Phú (50 Lê Lợi, phường Hội Thương, TP. Pleiku). Ảnh: N.N

“Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh còn kiểm tra về nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện về cơ sở vật chất, trang-thiết bị, dụng cụ… được quy định tại Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Chúng tôi cũng sẽ tập trung kiểm tra kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, bao bì chứa đựng thực phẩm; nguồn nước dùng cho sản xuất, chế biến; lấy mẫu kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết và các quy định khác liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm”-ông Thạnh nhấn mạnh.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, đoàn áp dụng các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; đồng thời, áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả theo quy định. Trong trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý, đoàn sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng giải quyết. Bên cạnh kiểm tra chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm, đoàn lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm các quy định về ATTP.

Nâng cao ý thức trong sản xuất kinh doanh

Việc đảm bảo ATTP dịp Tết Trung thu nói riêng và ATTP xuyên suốt trong năm nói chung nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP. Bên cạnh sự quản lý của ngành chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm tự giác chấp hành các quy định về ATTP, bởi việc vi phạm không chỉ bị xử lý nghiêm mà còn bị công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông, ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin, uy tín, doanh thu của cơ sở sản xuất. Do vậy, kinh doanh đảm bảo ATTP, đảm bảo sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng luôn được các cơ sở kinh doanh chú trọng thực hiện.

Ông Ngô Thái Vũ-Chủ cơ sở bánh Trung thu Tân Phát (số 48B Trần Nhật Duật, TP. Pleiku) chia sẻ: Gia đình ông có hơn 30 năm làm bánh Trung thu. Mặc dù là quy mô sản xuất hộ gia đình nhưng cơ sở đầu tư trang-thiết bị hiện đại, đảm bảo quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Qua các đợt kiểm tra đột xuất về đảm bảo ATTP của tỉnh, cơ sở đều đáp ứng các điều kiện về ATTP. Sản phẩm bánh Trung thu do cơ sở sản xuất đảm bảo về chất lượng, không sử dụng chất bảo quản, đảm bảo ATTP khi đến tay người tiêu dùng.

Việc đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng được bà Nguyễn Thị Nhận (cơ sở sản xuất và mua bán bánh mì, số 03 Phạm Hùng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) chú trọng. Bà Nhận cho biết: Cơ sở lúc nào cũng coi trọng công tác đảm bảo ATTP. Chúng tôi luôn nhập nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc xuất xứ, hợp đồng, sử dụng nguồn nước máy trong sản xuất, chế biến. Trong quá trình sản xuất, người lao động mặc đồ bảo hộ và thực hiện đúng quy định để sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng sạch, đảm bảo ATTP, đảm bảo sức khỏe.

Sản xuất cơm sấy khoảng 20 năm nay, cơ sở Thiên Phú (số 50 Lê Lợi, phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã đầu tư, nâng cấp trang-thiết bị, máy móc, tuân thủ các quy định về ATTP. Bà Lương Thị Lệ-Chủ cơ sở chế biến thực phẩm Thiên Phú-thông tin: Để phục vụ sản xuất, cơ sở đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị trị giá trên 1 tỷ đồng. Hàng năm, cơ sở đều có đoàn đến kiểm tra về ATTP, hướng dẫn, nhắc nhở nhằm đảm bảo yêu cầu hoạt động theo quy định.

“Chúng tôi hiểu thực phẩm sản xuất liên quan trực tiếp đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng nên phải đảm bảo an toàn theo quy định. Nếu thực phẩm không an toàn thì không chỉ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh, phát triển, uy tín cũng như đối mặt với các vấn đề pháp lý liên quan. Vì vậy, đảm bảo ATTP được cơ sở đặt lên hàng đầu”-bà Lệ cho hay.

Đảm bảo ATTP dịp Tết Trung thu

Từ ngày 7 đến 11-9, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Kết quả, các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định và không có cơ sở vi phạm. “Nhìn chung, các cơ sở đều có ý thức trong sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP. Đoàn kiểm tra cũng kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn giúp các cơ sở thực hiện tốt các quy định trong lĩnh vực ATTP”-Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết.

Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tân Phát (số 48B Trần Nhật Duật, TP. Pleiku) chú trọng sản xuất đảm bảo ATTP. Ảnh: N.N

Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tân Phát (số 48B Trần Nhật Duật, TP. Pleiku) chú trọng sản xuất đảm bảo ATTP. Ảnh: N.N

Tết Trung thu là một trong những dịp đặc biệt trong năm. Vì vậy, các sản phẩm bánh được sản xuất và kinh doanh nhiều trong dịp này. Các loại bánh Trung thu hầu hết có hạn sử dụng ngắn, nếu bảo quản không đúng cách rất dễ hư hỏng, biến chất ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang-Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh): Khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu đảm bảo ATTP, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí như: sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

“Người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo ATTP. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng; được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang-thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất… Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng tuyệt đối không nên lựa chọn mua và sử dụng sản phẩm bánh Trung thu trôi nổi, không có nguồn gốc, hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu”-bà Trang khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm