Từ trường hợp cụ thể của Công ty PouYuen Việt Nam (TP HCM), Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ tài chính, Tổng cục Thuế, xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền DN hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Sáng nay 3-7, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 6 (khoá XII) đã khai mạc dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 6- Ảnh: Văn Duẩn |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh hội nghị lần này sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng của tổ chức Công đoàn, trong đó có các dự thảo về kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ của BCH TLĐ khóa XI về nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động CĐ trong tình hình mới; Tờ trình về việc miễn đóng đoàn phí công đoàn; báo cáo Công đoàn các cấp tham gia phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19,công tác nhân sự....
Dốc sức chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Trình bày báo cáo "Công đoàn các cấp tham gia phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19", ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đến tháng 6 năm 2020, có 7,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 gồm mất việc, giãn việc, nghỉ việc luân phiên, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; tập trung ở các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, may mặc, da giày, bán buôn, bán lẻ, chế biến, chế tạo…
Nhiều NLĐ, nhất là công nhân và một bộ phận giáo viên ngoài công lập vốn có thu nhập không cao, nay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đang gặp khó khăn cả về việc làm, thu nhập và duy trì đời sống gia đình.
Theo khảo sát tại nhiều doanh nghiệp, những tháng tới, do không ít doanh nghiệp xuất khẩu không có đơn hàng, nên số lượt người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid -19 có thể tăng thêm. Hiện nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch giảm số lượng người lao động trong một vài tháng tới, có doanh nghiệp dự kiến giảm 50% - 60%.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (trái) và ông Tô Đình Tuân (phải), Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao quà cho bà con khó khăn trong ngày cây "ATM thực phẩm miễn phí" đầu tiên tại Hà Nội của Báo Người Lao Động được khai trương hôm 26-4-2020 |
Quán triệt, thực hiện các văn bản của Đảng, lời kêu gọi của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch,với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành 16 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của CNVC-LĐ trong việc chủ động phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch bệnh Covid -19, đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh cho người lao động.
Các cấp Công đoàn cả nước, nhất là công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đã tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động như: thăm, tặng quà cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là công nhân khó khăn; chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền để có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh; thương lượng với người sử dụng lao động để sắp xếp, bố trí các phương án lao động phù hợp, bảo vệ việc làm cho người lao động;tư vấn, đối thoại trả lời thắc mắc của người lao động nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động,tránh xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Công văn 245/TLĐ về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 đến ngày 31-12-2020.
Ban hành Quyết định 643/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19 từ nguồn tài chính công đoàn và các nguồn huy động xã hội khác với tổng giá trị dự kiến hỗ trợ người lao động gần 500 tỉ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đến khu nhà trọ thăm hỏi công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Từ Sơn. |
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã có chủ trương cho phép các cấp công đoàn sử dụng kinh phí hỗ trợ cho người lao động trong phòng dịch. Nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố, ngành đã chủ động trích ngân sách công đoàn để hỗ trợ kịp thời người lao động có hoàn cảnh khó khăn ngay từ đầu mùa dịch. Cho đến nay, ước tính đã có hàng trăm tỉ đồng và hàng triệu chiếc khẩu trang y tế, khẩu trang vải, nước rửa tay và xà phòng đã được các cấp công đoàn vận động hỗ trợ phòng chống dịch và phát miễn phí tới người lao động...
Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hàng loạt chính sách để hỗ trợ NLĐ
Trước những khó khăn của đoàn viên, người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng ý cho phép những trường hợp thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ việc luân phiên từ 14 ngày trở lên trong tháng, vẫn được đóng BHYT bắt buộc theo đối tượng có quan hệ lao động để bảo đảm quyền lợi BHYT liên tục, không bị gián đoạn của người lao động.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg, theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm cả người lao động phải nghỉ việc luân phiên, không chỉ tại các doanh nghiệp mà đến cả các đơn vị sự nghiệp và các cơ sở kinh doanh khác và không gắn điều kiện của người lao động với điều kiện của doanh nghiệp để người lao động được hỗ trợ khó khăn kịp thời.
Đối với đối tượng người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đề nghị bỏ điều kiện về thu nhập "không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo" và thời gian áp dụng đến hết tháng 12 năm 2020.
Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định 15/QĐ-TTg để mở rộng đối tượng hưởng, điều chỉnh điều kiện hưởng hỗ trợ và kéo dài thêm thời gian (đến hết tháng 12-2020) bị mất việc, tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ luân phiên và nghỉ việc không hưởng lương để người lao động thực sự khó khăn có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.
"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn, tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống. (Cụ thể như trường hợp của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh)"- Tổng LĐLĐ Việt Nam, kiến nghị.
Bên cạnh đó, Công đoàn cũng đề nghị Chỉnh phủ xem xét điều chỉnh điều kiện để doanh nghiệp được xét dừng đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay khi các doanh nghiệp bắt đầu đi vào sản xuất, phục hồi kinh tế. Vì điều kiện doanh nghiệp phải có 50% số lao động bị nghỉ việc từ một tháng trở lên mới đủ điều kiện để tạm hoãn đóng BHXH chưa tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ miễn hoặc giảm Quỹ phòng chống thiên tai năm 2020; miễn giảm học phí cho con em CNLĐ bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc luân phiên hoặc nghỉ việc không hưởng lương đề giảm bớt khó khăn và để con em công nhân lao động được đến trường. |
Theo Bài, ảnh: Văn Duẩn (NLĐO)