Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch - Kỳ 2: Xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp của tỉnh chiếm 26,62% GRDP.

Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, là trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội với định hướng xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh.

Sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với hơn 100.000 ha, năng suất bình quân 33,2 tạ/ha, sản lượng đạt gần 315.320 tấn/năm. Năm 2023, sản lượng cà phê xuất khẩu ước đạt 240.000 tấn với kim ngạch 490 triệu USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê (Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai, Công ty TNHH Trung Hiếu, Công ty TNHH Thương mại và chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam) và 99 cơ sở thu mua, chế biến cà phê.

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Vĩnh Hiệp là một trong những nhà cung ứng cà phê uy tín trên toàn cầu. Vĩnh Hiệp cam kết tuân thủ quy định của châu Âu về không gây mất rừng, đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung cấp đến các nhà thương mại, nhà rang xay lâu nay đã tin tưởng sử dụng cà phê của tỉnh. Đồng thời, doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng cà phê. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu mà tỉnh đang hướng tới là không mở rộng diện tích mà chỉ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê.

“Niên vụ 2022-2023, Vĩnh Hiệp xuất khẩu 160.000 tấn cà phê với kim ngạch 350 triệu USD. Hiện giá cà phê xuất khẩu đang ở mức cao nên Vĩnh Hiệp đặt mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 500 triệu USD trong niên vụ 2023-2024”-ông Hiệp thông tin thêm.

Gia Lai hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh. Ảnh: Lê Nam

Gia Lai hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh. Ảnh: Lê Nam

Những năm gần đây, nhiều giống lúa cho năng suất, chất lượng cao như: ST24, ST25, TBR39, TBR97, J02, ĐT100, HN6, Đài Thơm 8… được các hợp tác xã (HTX) và người dân đưa vào gieo trồng đại trà thay thế dần các giống lúa cũ đã thoái hóa.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) cho biết: Hợp tác xã luôn làm tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền và bà con nông dân, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và áp dụng vào thực tiễn. Hiện tại, HTX liên kết với 60 hộ dân canh tác 160 ha lúa. Sau đó, HTX thu mua sản phẩm cho người dân với giá cao hơn thị trường để phát triển thương hiệu “Gạo Phú Thiện”. Nhờ những bộ giống lúa mới mà HTX đã có 9 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao.

Cùng với việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, nhiều doanh nghiệp, HTX và người dân trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Đến nay, Gia Lai đã được cấp 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668,7 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói nông sản với tổng công suất 1.550-1.700 tấn quả tươi/ngày, xuất khẩu sang Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ…

Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 42,8% tổng diện tích gieo trồng); có 1 doanh nghiệp và 3 HTX được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA), Hàn Quốc, Nhật Bản (JAS), châu Âu (EU) cho 110 ha cây trồng (cà phê, hồ tiêu, trái cây và cà gai leo); có 4 hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn quốc gia (xây dựng thí điểm cho doanh nghiệp, HTX) được duy trì hoạt động áp dụng, vận hành gồm: hệ thống truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm cà phê nhân tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; hệ thống truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm gạo Phú Thiện tại HTX Nông nghiệp Chư A Thai; hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chôm chôm Ia Grai tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (huyện Ia Grai); hệ thống truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm rau Đak Pơ.

Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Các số liệu chứng minh rằng sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang chuyển dịch theo chiều sâu, nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, nhất là định hướng cho xuất khẩu. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nhằm phục vụ chuỗi cung ứng để minh bạch chất lượng, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng và thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý.

“Hiện nay, ngành Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, mì… Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc cũng như sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”-ông Khải cho hay.

Hướng đến nông nghiệp xanh và bền vững

Gia Lai hiện có gần 76.000 ha lúa, 37.000 ha bắp, hơn 100.000 ha cà phê, gần 87.000 ha cao su, gần 9.000 ha hồ tiêu, 35.000 ha cây ăn quả, 16.520 ha rau, hoa, 79.000 ha mì, hơn 40.000 ha mía… Hầu hết các loại cây trồng được phân bố ở những khu vực có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.

Đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 79/QĐ-UBND về danh mục sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Cụ thể, khu vực phía Tây tỉnh tập trung phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả...; khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh phát triển cây trồng ngắn ngày như: lúa nước, mía, mì, bắp, rau, cây ăn quả…

Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku) hướng đến nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh. Ảnh: Lê Nam

Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku) hướng đến nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh. Ảnh: Lê Nam

Để tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp đã dần thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao…

Ông Nguyễn Nam Phong-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku) cho biết: Công ty có hơn 8 ha rau củ quả ứng dụng công nghệ cao (khoảng 3,5 ha sản xuất trong nhà kính) và đầu tư hệ thống nhà lồng, kho lạnh, máy móc đóng gói sản phẩm.

Ngoài ra, Công ty còn liên kết với một số hộ dân xã An Phú trồng 2 ha rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện các sản phẩm rau củ quả của Công ty đã có mặt trong hệ thống Siêu thị Co.op Mart các tỉnh Tây Nguyên, VinMart toàn miền Trung và các siêu thị mini, bếp ăn trường học ở khu vực Tây Nguyên, các cửa hàng tiện lợi ở Gia Lai và Kon Tum. Mỗi ngày, Công ty xuất bán 3-4 tấn sản phẩm.

“Sản xuất rau trong nhà kính mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với sản xuất bình thường. Cụ thể, năng suất cao hơn 30-40%, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật 60-70%, thời gian canh tác rút ngắn hơn 20-30%, giảm nhân công chăm sóc, tiết kiệm nước, phân bón”-ông Phong chia sẻ.

Để giúp các thành viên HTX và người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy sản xuất cà phê sạch bền vững, canh tác lúa nước, chanh dây theo hướng hữu cơ, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đak Đoa) đã hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và các chế phẩm sinh học.

Ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX-cho hay: Qua 3 năm triển khai, HTX đang liên kết với gần 500 hộ dân (trên 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số) sản xuất cà phê, lúa nước. Quy trình canh tác kỹ càng theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch đã giúp người dân giảm chi phí đầu tư 10-15 triệu đồng/ha, tăng hiệu quả kinh tế, đặc biệt là giảm tác hại đến môi trường.

“Thời gian tới, HTX tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Glar và các xã lân cận. Mục tiêu của chúng tôi là dần thay đổi tư duy của người sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến cà phê chất lượng cao để tăng tính cạnh tranh trên thị trường”-ông Lê Hữu Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, Gia Lai rất quan tâm kêu gọi, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển, hình thành chuỗi liên kết; ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp hình thành nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 237.346 ha cây trồng các loại thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đối tượng tham gia liên kết gồm: 81 HTX, 72 tổ hợp tác, trên 11.860 hộ nông dân và 42 doanh nghiệp.

Các công nhân sơ chế và đóng gói chuối cho Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (Đak Đoa) để xuất khẩu. Ảnh: Lê Nam

Các công nhân sơ chế và đóng gói chuối cho Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (Đak Đoa) để xuất khẩu. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Ngày 30-12-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1750/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Gia Lai được quy hoạch thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, là vùng đất xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa trên 3 trụ cột phát triển là nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao.

“Thời gian đến, tỉnh tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin... tạo nền tảng đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; triển khai ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, điều hành. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất; thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; tăng cường quản lý tài nguyên nước, tài nguyên đất đai, đa dạng sinh học; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản để sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm