Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch - Kỳ 3: Tạo đà cho ngành công nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông-lâm sản, sản xuất, phân phối điện theo công nghệ tiên tiến là những định hướng để từng bước đưa Gia Lai trở thành một hình mẫu trong phát triển công nghiệp xanh, sinh thái, tuần hoàn.

Công nghiệp chế biến đóng vai trò chủ đạo

Tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước và có hơn 837.643 ha đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ, thích hợp để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Toàn tỉnh có hơn 100.000 ha cà phê với sản lượng gần 315.320 tấn/năm; 8.800 ha hồ tiêu với sản lượng hơn 28.580 tấn/năm; 86.870 ha cao su với sản lượng mủ khô hơn 95.000 tấn/năm; 32.000 ha cây ăn quả; 34.000 ha rau các loại với sản lượng hơn 500.000 tấn/năm; 80.000 ha mì với sản lượng hơn 1,6 triệu tấn/năm; 40.000 ha mía với sản lượng gần 2,8 triệu tấn/năm; 38.200 ha bắp với sản lượng gần 200.000 tấn/năm; 76.540 ha lúa với sản lượng hơn 407.000 tấn/năm và nhiều loại nông sản khác là nguyên liệu phong phú cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Với lợi thế về nguồn nguyên liệu, Nhà máy Đường An Khê (Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) đã xây dựng cụm sản xuất đường hiện đại và lớn nhất cả nước với công suất ép 18.000 tấn mía/ngày, sản lượng đường tinh luyện 1.000 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho biết: “Hiện nay, sản lượng đường chế biến hàng năm của Nhà máy đạt trên 300.000 tấn, chiếm 20% sản lượng đường của cả nước. Sản phẩm đường của Nhà máy đã đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh và nhiều năm liền đạt thương hiệu quốc gia. Trong 10 năm (2013-2023), Nhà máy đã nộp ngân sách 877 tỷ đồng; đồng thời góp phần tạo việc làm cho hàng vạn người lao động và hộ trồng mía trên toàn vùng”.

Ngành chế biến đường đang là một trong những điểm nhấn của ngành công nghiệp chế biến ở Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo

Ngành chế biến đường đang là một trong những điểm nhấn của ngành công nghiệp chế biến ở Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo

Hiện nay, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh là đường tinh chế, tinh bột mì, chè, mủ cao su, cà phê, nước ép trái cây… Trong vài năm gần đây, mặt hàng chế biến từ trái cây đã góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) cho hay: “Gia Lai có nguồn nguyên liệu chanh dây tím dồi dào và chất lượng được thị trường thế giới ưa chuộng so với chanh vàng của khu vực Nam Mỹ. Đây là lợi thế quan trọng để Công ty đặt nhà máy tại Gia Lai. Với công suất 300 tấn sản phẩm/ngày đêm, mỗi năm, nhà máy thu mua và chế biến khoảng 60-130 ngàn tấn chanh dây tươi để sản xuất ra các mặt hàng nước chanh dây cô đặc đông lạnh, nước chanh dây thanh trùng đông lạnh, hương chanh dây tự nhiên. Các sản phẩm này được phân phối đến thị trường của hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Hà Lan…”.

Toàn tỉnh có khoảng 8.000 cơ sở tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến. Riêng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đều gắn với các nhà máy lớn. Toàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến tinh bột mì; 2 nhà máy chế biến đường tinh chế; 2 nhà máy chế biến chè; 5 nhà máy chế biến hạt điều nguyên liệu; 4 nhà máy sản xuất, chế biến hồ tiêu; 15 cơ sở sản xuất, chế biến mủ cao su và hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến cà phê...

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho rằng: Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến có áp dụng công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa và các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao ở trình độ tiên tiến của khu vực.

Việc hình thành các nhà máy chế biến đã góp phần tiêu thụ nông sản, từng bước hình thành mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với người dân, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Ngoài phục vụ nội địa, việc chế biến sâu các sản phẩm đã tạo nguồn hàng chất lượng phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, công nghiệp chế biến tạo ra giá trị lớn nhất cho khu vực công nghiệp và đóng vai trò chủ đạo (chiếm tỷ trọng khoảng 65%).

Chanh dây là một trong những mặt hàng trái cây đang được các nhà máy sản xuất công nghiệp thu mua để chế biến và xuất khẩu. Ảnh: Vũ Thảo

Chanh dây là một trong những mặt hàng trái cây đang được các nhà máy sản xuất công nghiệp thu mua để chế biến và xuất khẩu. Ảnh: Vũ Thảo

“Tuy nhiên, một số sản phẩm có tỷ lệ chế biến sâu còn thấp như: chế biến cà phê bột mới chỉ đạt 23,28%; chế biến tiêu sọ đạt 13,2%; chế biến mủ cao su chỉ dừng lại ở sản xuất sản phẩm thô, chưa sản xuất thành phẩm từ cao su... Đó chính là yếu tố chưa gia tăng được giá trị cho sản phẩm cũng như làm giảm đi sức cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường”-ông Binh nói.

Khai thác nguồn năng lượng sạch

Bên cạnh công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng cũng là lĩnh vực đang có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ m3, Gia Lai có thể phát triển các dự án thủy điện tới quy mô công suất hơn 3.000 MW. Với số giờ nắng bình quân 1.900-2.200 giờ/năm, tỉnh có thể phát triển các dự án điện mặt trời tới quy mô công suất khoảng 7.500 MW.

Đồng thời, Gia Lai có tốc độ gió trung bình khoảng 6-7 m/s, có thể phát triển các dự án điện gió tới quy mô công suất khoảng 12.000 MW. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có khả năng khai thác bền vững nguồn điện sinh khối với quy mô công suất khoảng 850 MW. Với tiềm năng dồi dào, hạ tầng lưới điện truyền tải đảm bảo, đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 3.500 MW (gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 480 MW.

Gia Lai có tiềm năng rất lớn phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Ảnh: Vũ Thảo

Gia Lai có tiềm năng rất lớn phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Ảnh: Vũ Thảo

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) năm 2021 của tỉnh đạt 24.800 tỷ đồng, năm 2022 đạt 28.890 tỷ đồng, năm 2023 đạt 31.620 tỷ đồng, năm 2024 ước đạt 35.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 so với năm 2020 đạt 11,98%; trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân công nghiệp chế biến đạt 9,13%.

Ông Chẩu Văn Sơn-Quản lý Dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1 (huyện Chư Pưh) cho hay: “Dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1 thuộc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 có công suất 100 MW với 28 trụ tua bin gió.

Đến tháng 3-2024, dự án đã vận hành thương mại. Nhờ vậy, sản lượng điện sản xuất của Nhà máy đã tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Nếu dựa trên tính toán ở điều kiện lý tưởng, ước lượng năm nay, Nhà máy sẽ đạt sản lượng điện khoảng hơn 201 triệu kWh”.

Theo thống kê, tổng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 12 tỷ kWh/năm. Con số trên cho thấy việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo đã khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển, phát huy nguồn lực đất đai; góp phần tăng thu ngân sách; bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Tỉnh đang triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp năng lượng, từng bước đưa Gia Lai trở thành một trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, một hình mẫu về phát triển năng lượng tái tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định.

Hướng đến nền công nghiệp xanh, tiên tiến, hiện đại

Theo Giám đốc Sở Công thương, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành cũng đề ra nhiều giải pháp theo từng giai đoạn với những mục tiêu tăng trưởng cụ thể. Công nghiệp chế biến vẫn được xác định là ngành chủ đạo, tạo tác động lan tỏa đến chất lượng và sự ổn định tăng trưởng.

Vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư công nghiệp chế biến dược liệu, thức ăn chăn nuôi; chế biến rau củ quả; các dự án chế biến sâu sản phẩm sau đường; chế biến cà phê, hồ tiêu; chế biến các sản phẩm tiêu dùng từ cao su; sản xuất cồn sinh học từ mì lát...

Ưu tiên các dự án có ứng dụng khoa học công nghệ cao, tập trung nâng cao chất lượng, tạo ra các sản phẩm nằm ở chuỗi giá trị cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Từng bước chuyển đổi các ngành công nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên sang các ngành công nghiệp trong chuỗi tuần hoàn. Tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, là cơ sở để kêu gọi và thu hút các dự án công nghiệp chế biến.

Gia Lai có tiềm năng dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến hàng nông sản, trong đó có cà phê. Ảnh: Vũ Thảo

Gia Lai có tiềm năng dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến hàng nông sản, trong đó có cà phê. Ảnh: Vũ Thảo

Đối với lĩnh vực năng lượng, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành trung ương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo nhanh, bền vững, có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch kinh tế-xã hội và gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Gia Lai cơ bản hình thành nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, xanh, sinh thái tạo nền tảng để đưa tỉnh trở thành một hình mẫu trong phát triển công nghiệp-nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn. Tỉnh phấn đấu nâng tỷ trọng ngành công nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 40% vào năm 2030; tỷ lệ lấp đầy mỗi khu-cụm công nghiệp cơ bản đạt trên 65% vào năm 2030… Tầm nhìn đến năm 2050, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng xanh, tiên tiến, hiện đại phục vụ cho các ngành nông nghiệp tiêu chuẩn cao.

Có thể bạn quan tâm