Thời sự - Bình luận

Kinh hoàng với trận cuồng phong !

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bão Molave băng qua Philippines rồi đổ bộ vào miền Trung Việt Nam với tên gọi cơn bão số 9 có sức gió cấp 15 giật cấp 16 đã tiếp tục tàn phá các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên. 
Có thể nói, năm 2020 là một năm đầy đau thương với đồng bào miền Trung bởi thiên tai, dịch bệnh đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Chưa có năm nào mà công tác cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ đồng bào bị bão lũ lại được thực hiện một cách khẩn trương, quyết liệt với đông đảo lực lượng tham gia như thế.
Để đối phó với bão số 9, các biện pháp phòng-chống bão lũ đã được các tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên triển khai đồng bộ và quyết liệt. Chính phủ cũng đã nhanh chóng lập Ban Chỉ huy tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban để kịp thời chỉ đạo ứng phó với cơn bão và cứu nạn, cứu hộ.
Tuy có sự chủ động từ các ngành, địa phương và của người dân trong việc phòng-chống bão số 9, nhưng cũng không thể nào tránh được sự thiệt hại về người và tài sản. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, đến ngày 29-10-2020, sau khi cơn bão số 9 quét qua, có 88.591 căn nhà bị tốc mái, 2.527 căn nhà bị sập, hàng chục cơ quan, điểm trường bị tốc mái, hư hỏng và hàng ngàn cây xanh bị ngã đổ, hàng trăm héc ta hoa màu bị hư hại, 3 cây cầu bị cuốn trôi, 14 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông; có 5 tàu cá bị chìm và 26 ngư dân mất liên lạc.
Đặc biệt, ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) mưa lũ làm sạt lở núi vùi lấp các làng ở Trà Leng và Trà Vân, có 53 người chết và mất tích. Hiện nay, công tác cứu hộ, tìm kiếm người mất tích đang được khẩn trương thực hiện. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo lập Sở chỉ huy tiền phương tại địa bàn xảy ra sạt lở, huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm nạn nhân. 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Các tỉnh Bắc Tây Nguyên (Gia Lai và Kon Tum) cũng bị cơn bão số 9 tàn phá nặng nề. Tại khu vực Đông Nam tỉnh, bên cạnh nhiều nhà dân bị tốc mái, hàng ngàn héc ta mía và hoa màu bị ngã đổ… Ở các huyện, thị xã phía Đông tỉnh, mực nước các sông suối lên nhanh làm giao thông một số địa phương bị chia cắt, hàng trăm héc ta mía, hoa màu bị thiệt hại, nhiều nhà dân bị tốc mái, toàn bộ các huyện, thị xã trong khu vực bị mất điện… Riêng TP. Pleiku, gió giật mạnh làm nhiều cây xanh bên đường phố ngã đổ, sập 2 tường rào khiến 1 người đi đường tử vong.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhiều khu vực mưa to, nước sông lên cao gây lũ lụt ở một số địa phương. Ở huyện Kon Rẫy, 1 cầu sắt bắc qua sông bị nước lũ cuốn trôi gây chia cắt giao thông, cô lập 1.500 người dân; quốc lộ 24 đoạn qua huyện Kon Plông bị hư hại nghiêm trọng khiến giao thông gián đoạn… Ở Đak Lak có 1 trường hợp bị tai nạn do tôn bay va đập gây chết người.
Theo dự báo, thời tiết còn đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành ở miền Trung còn hứng chịu lượng mưa lớn, nước trên các sông suối dâng cao, lũ lụt đang đe dọa đến đời sống của người dân. Ở phía Bắc Tây Nguyên, lũ trên các sông đang ở mức báo động, tình trạng sạt lở đất có thể xảy ra ở một số nơi nên các địa phương cần theo dõi sát tình hình, thông tin kịp thời đến người dân để phòng tránh. 
Trước thiên tai cuồng nộ, phận người trở nên nhỏ bé, mong manh. Vì đồng bào miền Trung ruột thịt, chúng ta tiếp tục công tác cứu hộ, cứu trợ để sẻ chia một phần thiệt hại, mất mát của bà con.
HOÀNG LINH VIỆT

Có thể bạn quan tâm