Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Kính thiên văn Hubble lần đầu phát hiện hơi nước trên mặt trăng của sao Mộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kính thiên văn Hubble của NASA phát hiện bằng chứng đầu tiên về hơi nước trong khí quyển mặt trăng Ganymede của sao Mộc.

Kính thiên văn Hubble tìm thấy bằng chứng về hơi nước trong bầu khí quyển mỏng mặt trăng của sao Mộc. Ảnh: NASA
Kính thiên văn Hubble tìm thấy bằng chứng về hơi nước trong bầu khí quyển mỏng mặt trăng của sao Mộc. Ảnh: NASA
Mặt trăng của sao Mộc Ganymede là mặt trăng lớn nhất trong Hệ Mặt trời, có lớp vỏ băng giá bao phủ. Các nhà khoa học tin rằng, mặt trăng của sao Mộc có đại dương nước ở dạng lỏng khổng lồ bên dưới bề mặt và một đại dương như vậy có thể chứa đựng sự sống ngoài Trái đất dạng thủy sinh.
Ngày 26.7, NASA thông báo, qua xem xét dữ liệu trong 2 thập kỷ từ kính viễn vọng không gian Hubble, các nhà nghiên cứu phát hiện ra bằng chứng về hơi nước trong bầu khí quyển mỏng của mặt trăng của sao Mộc. Tuy nhiên, hơi nước vừa phát hiện ở mặt trăng Ganymede có thể không đến từ đại dương ngầm. Thay vào đó, đó có thể là băng bốc hơi từ bề mặt mặt trăng.

Mặt trăng Ganymede của sao Mộc qua quan sát bằng kính thiên văn Hubble của NASA năm 1996. Ảnh: NASA
Mặt trăng Ganymede của sao Mộc qua quan sát bằng kính thiên văn Hubble của NASA năm 1996. Ảnh: NASA
Việc phát hiện hơi nước trên mặt trăng của sao Mộc không cho thấy tiềm năng về sự sống ngoài hành tinh ở mặt trăng nhưng giúp các nhà khoa học hiểu thêm về bầu khí quyển của Ganymede. Trước đây, giới nghiên cứu chỉ biết Ganymede chứa ôxy.
Nhà khoa học Lorenz Roth, Viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở Stockholm, Thụy Điển, trưởng nhóm nghiên cứu tìm ra hơi nước ở mặt trăng của sao Mộc chia sẻ với NASA: "Cho đến nay mới chỉ quan sát được ôxy phân tử. Điều này được tạo ra khi các hạt tích điện bào mòn bề mặt băng giá".
Nghiên cứu và bộ dữ liệu về hơi nước trên mặt trăng Ganymede của sao Mộc được xuất bản trên tạp chí Nature Astronomy.
Theo NASA, phát hiện mới bổ sung dự đoán cho sứ mệnh sao Mộc sắp tới của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) - JUICE. Sứ mệnh JUICE được lên kế hoạch phóng vào năm 2022 và đến sao Mộc năm 2029. Sứ mệnh của ESA sẽ dành ít nhất 3 năm để thực hiện các quan sát chi tiết về sao Mộc và 3 mặt trăng lớn nhất của hành tinh này, đặc biệt chú ý Ganymede như một môi trường sống tiềm năng.
Sứ mệnh Juno của NASA đang quan sát kỹ Ganymede và gần đây đã công bố hình ảnh mới về mặt trăng băng giá này. Tàu vũ trụ Juno đã nghiên cứu sao Mộc và môi trường của hành tinh này từ năm 2016.
Tìm hiểu hệ thống hành tinh của sao Mộc và lịch sử của nó giúp nhân loại hiểu rõ hơn về các hành tinh khí khổng lồ và những vệ tinh của chúng hình thành, phát triển như thế nào. Nghiên cứu cũng đặt hi vọng có hiểu biết mới về khả năng sinh sống của những hệ ​ngoại hành tinh giống sao Mộc.
THANH HÀ (LĐO)
https://laodong.vn/the-gioi/kinh-thien-van-hubble-lan-dau-phat-hien-hoi-nuoc-tren-mat-trang-cua-sao-moc-935046.ldo

Có thể bạn quan tâm