Thời sự - Bình luận

Kịp thời trả lương cho người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp năm 2021, TP.HCM đã bước vào kỳ giãn cách xã hội lần 2.
 

Hàng trăm công nhân Công ty TNHH Hanjoo Trade phải đi cách ly vì công ty có 4 ca dương tính Covid-19. ẢNH: TRẦN KHA
Hàng trăm công nhân Công ty TNHH Hanjoo Trade phải đi cách ly vì công ty có 4 ca dương tính Covid-19. ẢNH: TRẦN KHA


Điều đáng chú ý khi từ giữa tháng 6 đến nay đã có nhiều công ty có công nhân mắc Covid-19... Chưa kể, có nhiều công nhân bị ngưng việc vì do là trường hợp F1, F2 hoặc sống trong khu vực bị phong tỏa.

TP.HCM có khoảng 1,6 triệu công nhân, người lao động (NLĐ) làm việc ở 17 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Trong số đó có hàng ngàn NLĐ bị ngưng việc hoặc giảm thu nhập vì dịch. Tiền lương - nguồn sinh kế chính bị lung lay. Chưa kể đa số họ lại là NLĐ phổ thông, di cư từ các tỉnh, thành khác, vốn hằng ngày “đau đầu với các con số” chi cho thuê nhà trọ, con cái, gửi về quê... nay phải chạy vạy khắp nơi để trang trải đời sống.

Vấn đề có được trả lương khi ngưng việc vì dịch Covid-19 hay không được NLĐ rất quan tâm. Ngày 14.6, Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng đã có công văn hướng dẫn công đoàn các cấp về việc này. Liên đoàn cũng chỉ rõ việc NLĐ đang ngừng việc vì thực hiện giãn cách xã hội hoặc bị cách ly tại khu nhà trọ, khu lưu trú, khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp (DN)... nên phải ngừng việc là trường hợp được hưởng tiền lương ngừng việc theo quy định ở khoản 3, điều 99 bộ luật Lao động năm 2019. Ngành công đoàn TP.HCM sẽ chủ động vận động, thương lượng DN khẩn trương trả tiền lương cho NLĐ.

DN đã bị dịch “hành” tơi tả, nhưng với “kinh nghiệm” ứng phó với dịch, nhiều DN đã chủ động kế hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, T.Ư và địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ DN về vốn, thuế phí… và hiện đang xem xét gói hỗ trợ mới. Nên, đối chiếu với quy định pháp luật về lao động, việc các DN khẩn trương trả tiền lương ngừng việc vì dịch bệnh cho NLĐ là trách nhiệm, và lẽ công bằng. Đó còn là sự cần kíp, nguồn động viên to lớn và thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn với NLĐ - người trực tiếp tạo ra sản phẩm.

Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm