Lợi dụng việc được cấp phép khai thác cát, doanh nghiệp đã ngang nhiên đắp một con đập, chắn ngang dòng sông (đoạn chảy qua xã Đak Rơ Wa và phường Thắng Lợi) để trữ nước, khai thác cát sỏi. Sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền và các ngành chức năng không hề hay biết.
Ảnh minh họa |
Công ty TNHH MTV Xuân Tài được UBND tỉnh Kon Tum cấp phép khai thác cát, sỏi trên dòng sông Đăk Bla thành phố Kon Tum. Lợi dụng việc được cấp phép khai thác này, doanh nghiệp đã ngang nhiên đắp một con đập, chắn ngang dòng sông (đoạn chảy qua xã Đăk Rơ Wa và phường Thắng Lợi) để trữ nước, khai thác cát sỏi. Sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền và các ngành chức năng không hề hay biết.
Sáng 12-5, có mặt tại hiện trường, phóng viên chứng kiến 2 ghe đang hút cát. Hàng nghìn mét khối cát sỏi được tập kết trên bờ. Tại đây, có 3 máy múc đang hoạt động, nhiều phương tiện vận chuyển cát ra vào nơi đây.
Giữa dòng sông, một con đập được doanh nghiệp mở chạy thẳng chắn ngang dòng sông. Con đập có bề ngang 5 mét, cao khoảng 2 mét, dài gần 100 mét chia đôi dòng Đăk Bla. Khi con đập chạy ra giữa dòng sông thì chia thành 2 nhánh, một nhánh chạy ra giữa sông, một nhánh đi thẳng qua bờ bên kia sông. Để đắp con đập này, doanh nghiệp đã đổ xuống sông hàng nghìn mét khối sỏi đá.
Điều đáng nói doanh nghiệp trên đã lấn, chiếm đất lòng sông và đất bán ngập. Khu vực khai thác trên không thuộc phạm vi doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi. Việc dùng phương tiện máy móc, đào hố, đắp đập ngăn đã làm thảy đổi, chuyển hướng dòng chảy của sông Đăk Bla sang hướng bờ trái sông.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Tài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Tài thừa nhận việc đắp đập ngăn sông là sai nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình làm. Tuy nhiên ông Tài cho rằng: Việc đắp đập là để giữ nước vì mùa khô nước rút, ghe làm không được. Làm thế này cũng không lở bờ, không ảnh hưởng gì hết. Việc đắp đập còn giúp bà con thuận tiện đi qua khu sản xuất ở bên kia sông. Người dân không lội sông, lội suối. "Nếu nhà nước không cho nữa thì tôi trả lại mặt bằng cũ", ông Tài cho biết.
Sau khi xem các hình ảnh phóng viên ghi nhận tại hiện trường, ông Đào Duy Hà, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Kon Tum cho biết: Việc tồn tại như thế này (doanh nghiệp đắp đập, ngăn sông - pv) là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ trực tiếp phối hợp với với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Theo TTXVN