Kinh tế

Nông nghiệp

Kông Chro: Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Kông Chro (Gia Lai) đang tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, giúp người dân từng bước cải thiện thu nhập. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương giai đoạn 2018-2020.

Triển khai các mô hình phát triển kinh tế

Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: Việc quy hoạch vùng sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi tất yếu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với định hướng trên, huyện đã căn cứ vào tình hình thực tế, tiềm năng lợi thế để sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy hoạch vùng kinh tế, trục kinh tế, ưu tiên đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bằng các giải pháp như: tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ vốn, giống mới năng suất cao; tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đảm bảo khung thời vụ gieo trồng, tích cực phòng trừ sâu bệnh, cơ giới hóa sản xuất, mở rộng diện tích thâm canh...

 Một hộ dân xã Yang Trung được hỗ trợ bò đực giống để cải tạo chất lượng đàn bò. Ảnh: Nguyễn Sang
Một hộ dân xã Yang Trung được hỗ trợ bò đực giống để cải tạo chất lượng đàn bò. Ảnh: Nguyễn Sang



Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện còn lồng ghép các chương trình khuyến nông, hỗ trợ cây-con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách. Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, huyện đã xuất ngân sách gần 1,1 tỷ đồng để triển khai 3 mô hình gồm: trồng bưởi da xanh (diện tích 3,5 ha) với sự tham gia của 7 hộ dân xã Yang Trung; cấp 17 con bò đực giống cho 17 hộ ở 3 xã Yang Trung, Đak Song và Đak Pling nhằm cải tạo chất lượng đàn bò; trồng thâm canh cây dứa Queen (diện tích 2 ha) với sự tham gia của 4 hộ thuộc 2 xã An Trung và Chư Krêy. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với huyện triển khai 2 mô hình trồng thâm canh cây điều ghép và trồng bưởi da xanh áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 11 hộ dân ở các xã: Kông Yang, Chơ Long, An Trung và Yang Trung (diện tích 13,5 ha) với tổng kinh phí gần 335 triệu đồng.

Ông Đinh Prek (làng Hle Hlang, xã Yang Trung) là một trong những hộ được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ bò đực giống Zebu để lai cải tạo đàn bò địa phương; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi để tăng hiệu quả kinh tế. Cũng ở làng Hle Hlang, ông Huỳnh Hữu Nhân được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 500 cây giống bưởi da xanh trồng trên diện tích 1 ha. Trong quá trình trồng, ông được hướng dẫn kỹ thuật để vườn cây ăn quả đạt năng suất, chất lượng cao. Theo ông Nhân, hiện nay, bưởi da xanh là cây ăn quả có đầu ra thuận lợi, được thị trường ưa chuộng và hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.

Đánh giá về các mô hình này, ông Nguyễn Quang Quốc-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kông Chro-khẳng định: “Việc triển khai hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình trên là một bước tiến trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Khi thực hiện thành công các mô hình này, huyện sẽ nhân rộng ra các hộ khác trên địa bàn”.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất

Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2018-2020 của huyện Kông Chro, diện tích mì cao sản tăng lên 7.450 ha; các loại cây sẽ giảm diện tích như: mía còn 6.000 ha, lúa cạn còn 2.500 ha, đậu các loại còn 4.500 ha, rau còn 2.500 ha. Một phần diện tích trên sẽ chuyển sang trồng 150 ha điều. Huyện sẽ tăng diện tích trồng cỏ lên 200 ha phục vụ chăn nuôi trâu, bò, dê; tăng diện tích cây ăn quả trên địa bàn lên 600 ha (chanh dây 100 ha, dứa 270 ha, chuối 50 ha và các loại cây ăn quả khác khoảng 180 ha). Ngoài ra, huyện còn liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao để đầu tư, bao tiêu đầu ra sản phẩm cây dứa và chanh dây; phát triển các loại cây ăn quả khác như: thanh long, mít, bơ, chuối, vải, quýt, cam, xoài…  

Để hướng tới nền nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, huyện Kông Chro cũng khuyến khích nông dân ứng dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 196,2 ha cây trồng áp dụng công nghệ tưới tiên tiến này, được triển khai ở các xã: Đak Kơ Ning, Đak Pơ Pho, Chư Krêy, Đak Tơ Pang, An Trung, Sró, Kông Yang, Yang Nam, Chơ Long, Yang Trung và thị trấn Kông Chro (chủ yếu tưới cho một số loại cây như: chanh dây, cỏ, rau đậu các loại). Đến năm 2020, huyện phấn đấu có khoảng hơn 300 ha cây trồng áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất để giảm rủi ro, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích, đồng thời dễ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nguồn vốn vay, thị trường tiêu thụ…

Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho biết: Thời gian đến, địa phương sẽ đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tại các vùng chuyển đổi; áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước, nâng hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và tỉnh để thu hút đầu tư, tăng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn… Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng sẽ tham mưu UBND huyện tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xem xét chính sách hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu, khoa học công nghệ, phát triển các mối liên kết… để khuyến khích người dân mạnh dạn thực hiện chuyển đổi sản xuất, đảm bảo được tính hiệu quả bền vững.

“Việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Kông Chro giai đoạn 2018-2020 là cần thiết để từng bước định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản, giúp người dân nâng cao thu nhập”-ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

 Nguyễn Sang

Có thể bạn quan tâm