Văn hóa

Kpă H’Nhing nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Đối với bà Kpă H’Nhing (SN 1978, buôn Ia Rniu, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ để cải thiện thu nhập cho gia đình mà đó còn là tình yêu đối với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Vào thời gian nông nhàn, bà H'Nhing thường dệt thổ cẩm.Ảnh: R'Ô HOK
Vào thời gian nông nhàn, bà H'Nhing thường dệt thổ cẩm.Ảnh: R'Ô HOK

Lúc chúng tôi đến thăm nhà, bà H’Nhing đang cặm cụi dệt tấm thổ cẩm để kịp hoàn thành theo đơn đặt hàng của một vị khách phương xa. Mời khách ngồi uống nước, bà H’Nhing-cho biết: Bản thân sinh ra trong một gia đình có bà, mẹ đều biết dệt thổ cẩm nên từ nhỏ khi thấy họ ngồi bên khung cửi dệt, bà rất thích thú. Hàng ngày, bà ngồi xem quan sát và học tập cách dệt từ người lớn. Thời điểm ấy, do không có cuộn chỉ, bà phải thu gom các sợi tơ của cây chuối rồi bắt chước tự dệt theo. Thấy con gái của mình thích thổ cẩm nên mẹ bà đã tận tình chỉ dạy, hướng dẫn các công đoạn cơ bản để dệt nên các tấm thổ cẩm. Với sự chỉ dạy của mẹ, năm 13 tuổi, bà H’Nhing đã có thể tự ngồi vào khung cửi để dệt thổ cẩm theo ý thích của mình.

Theo bà H’Nhing, trước đây để làm một tấm vải thổ cẩm, người phụ nữ Jrai phải tốn nhiều công sức và thời gian, từ việc chuẩn bị trồng, thu hoạch nguyên liệu bông để se sợi cho đến lên rừng tìm các loại cây phù hợp để làm thuốc nhuộm cho sợi chỉ. Ngày nay, các sản phẩm công nghiệp trên thị trường đa dạng nên việc dệt thổ cẩm được rút ngắn về thời gian. Tuy nhiên, công đoạn khó khăn và mất thời gian nhất của quá trình dệt thổ cẩm là việc sáng tạo các hoa văn, họa tiết trên sản phẩm sao cho hài hòa về màu, cân đối giữa các đường chỉ. “Thổ cẩm của người Jrai có nền màu chủ đạo là đen. Tuy nhiên, để cho tấm thổ cẩm sinh động, bắt mắt thì người dệt phải thật sự khéo léo và am hiểu truyền thống của dân tộc mình để sáng tạo các hoa văn phù hợp”-bà H’Nhing chia sẻ.

Các sản phẩm thổ cẩm của bà H'Nhing (bìa trái) dệt đẹp mắt nên được mọi người ưa chuộng. Ảnh: R'Ô HOK
Các sản phẩm thổ cẩm của bà H'Nhing (bìa trái) dệt đẹp mắt nên được mọi người ưa chuộng. Ảnh: R'Ô HOK

Hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm do bà H’Nhing làm ra chủ yếu là tấm choàng, chăn đắp, khố, tấm địu con, quần áo… Nhờ có tay nghề cao, nên các sản phẩm thổ cẩm của bà có mẫu mã đẹp, bền chắc nên được nhiều khách hàng từ huyện Krông Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa đặt mua. Cũng theo bà H’Nhing, hiện nay nhiều phụ nữ trong buôn không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm nên người biết dệt chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Để giữ gìn nét văn hóa truyền thống, bà thường xuyên truyền dạy, chia sẻ kinh nghiệm cho các con của mình.

Chị Kpă H’Bra (SN 1997, con gái ruột của bà H’Nhing)-chia sẻ: Nhờ được mẹ chỉ dạy nên tôi đã biết dệt thổ cẩm. Ngoài việc phục vụ nhu cầu của gia đình, tôi còn có thể đem bán để tăng thu nhập.

Trao đổi với P.V, bà Kpă H’Yư-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Broăi-thông tin: Bà H’Nhing là người dệt thổ cẩm giỏi, sản phẩm của bà được khách hàng yêu thích. Tại hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ia Pa năm 2020, bà H’Nhing đạt giải khuyến khích về phần thi dệt thổ cẩm. Để bảo tồn, duy trì nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai, góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, tháng 10-2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng đã thành lập mô hình dệt thổ cẩm với sự tham gia của 13 thành viên, trong đó có bà H’Nhing.

Có thể bạn quan tâm