Xã hội

Krông Pa chú trọng xây dựng môi trường nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.
Cuối tháng 9-2020, gia đình anh Ksor Tương (buôn Ma Rok, xã Chư Gu) tiến hành làm nhà vệ sinh. Trước đó, gia đình anh cùng 49 hộ trong buôn được xã hỗ trợ 5 triệu đồng để làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Anh Tương đã dùng số tiền này mua vật liệu và huy động anh em họ hàng giúp đỡ ngày công làm nhà vệ sinh. Ngoài ra, anh còn tận dụng vật liệu làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm. “Từ khi có chuồng để chăn nuôi gia súc, gia cầm, chất thải không còn vương vãi nữa. Không khí trong lành, thoáng mát hơn, ruồi muỗi cũng giảm nhiều”-anh Tương chia sẻ. 
Ông Rơ Ô Lul-Phó Trưởng thôn Ma Rôk-cho biết: Để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, chúng tôi đã kêu gọi, vận động người dân thường xuyên thu dọn rác thải sinh hoạt, khơi thông cống rãnh, kênh mương; thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Ban tự quản cùng các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ 50 hộ nghèo trong buôn được hỗ trợ tiền làm nhà vệ sinh, các hộ khác có điều kiện cũng hưởng ứng làm theo. Đến nay, buôn Ma Rôk có 75% hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Anh Ksor Tương (ở giữa) là người đi đầu xây nhà tiêu hợp vệ sinh ở buôn Ma Rôk, xã Chư Gu. Ảnh: Đinh Yến
Anh Ksor Tương (ở giữa) là người đi đầu xây nhà tiêu hợp vệ sinh ở buôn Ma Rôk, xã Chư Gu. Ảnh: Đinh Yến
Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã Chư Gu xác định tiêu chí về môi trường rất khó hoàn thành. Chủ tịch UBND xã Ksor Nhối cho rằng: Nguyên nhân là do người dân nông thôn chưa có thói quen làm nhà tiêu hợp vệ sinh; thu gom rác thải để xử lý; nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi đều xả trực tiếp ra môi trường, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường sống. Trên cánh đồng, không ít bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi. Để xử lý tình trạng này, xã đã bám sát chỉ đạo của huyện, chủ động xây dựng phương án giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, các tổ chức, cơ sở kinh doanh trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Phát động phong trào sạch làng, sạch ngõ; hướng dẫn người dân thu gom, xử lý rác thải; làm nhà tiêu hợp vệ sinh; di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra xa nơi ở. Nhờ đó, xã Chư Gu đã gần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Xã Ia Rmok cũng là địa phương gặp khó khăn khi thực hiện tiêu chí môi trường. Bí thư Đảng ủy xã Võ Thúy Vân cho biết: Xã đã đạt 14/19 tiêu chí trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, tiêu chí môi trường là khó thực hiện nhất. Nguyên nhân là do tập quán nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn, chưa quan tâm làm nhà tiêu hợp vệ sinh, xả rác thải bừa bãi. Xã đã tích cực vận động, đồng thời kêu gọi các Mạnh Thường Quân hỗ trợ các hộ (3 triệu đồng/hộ) làm được 4 nhà tiêu. Ngoài ra, Đảng ủy, UBND xã còn phân công các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức xuống các buôn để tuyên truyền, giúp đỡ trực tiếp các hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh và di dời chuồng trại gia súc ra xa nơi ở. Đến nay, số hộ chăn nuôi cam kết di dời chuồng trại ra xa nơi ở, đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 64,37%; tỷ lệ hộ đăng ký xây nhà tiêu hợp vệ sinh, cam kết thu gom rác thải sinh hoạt đảm bảo môi trường đạt 80%.  
Trao đổi với P.V, ông Ksor Tin-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM có 3 tiêu chí khó đạt nhất là môi trường, thu nhập và hộ nghèo. Huyện xác định phương châm mỗi thôn, buôn là một chủ thể hỗ trợ người dân thay đổi nhận thức về môi trường. Cùng với đó, hàng năm, huyện trích ngân sách 1,5-2 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo làm nhà tiêu hợp vệ sinh và xây dựng chuồng trại gia súc. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh công tác trồng cây phân tán, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Huyện cũng vận động người dân tích cực tham gia chỉnh trang đường làng, ngõ xóm và làm hàng rào quanh vườn, trồng cây ăn quả tạo môi trường xanh-sạch. “Thời gian tới, huyện tập trung tuyên truyền, vận động để làm thay đổi tập quán nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn. Cùng với đó, huy động sự tham gia đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân, góp phần đưa chương trình xây dựng NTM của huyện về đích đúng kế hoạch”-ông Ksor Tín nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm