Kinh tế

Nông nghiệp

Krông Pa nỗ lực phủ kín giống mì sạch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đang nỗ lực phủ kín các giống mì sạch bệnh thay thế cho các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh. Đồng thời, huyện vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Huyện Krông Pa có diện tích mì lớn nhất tỉnh với hơn 21.000 ha, chiếm khoảng 43% tổng diện tích cây trồng toàn huyện. Những năm gần đây, nhiều diện tích mì xuất hiện các loại côn trùng gây hại như: rệp sáp, sâu ăn lá, nhện đỏ, bọ xít và bệnh khảm lá. Đến tháng 6-2024, toàn huyện có 1.104,5 ha nhiễm bệnh khảm lá vi rút (773,1 ha nhiễm nhẹ, 220,9 ha nhiễm trung bình, 110,5 ha nhiễm nặng).

Để ngăn chặn sự lây lan bệnh khảm lá vi rút, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về quy trình canh tác và khuyến cáo người dân sử dụng các giống mì sạch bệnh như: HN1, HN3, HN5.

Đầu tháng 3-2024, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vạn Phát Chư Ngọc được thành lập với 7 thành viên. Hợp tác xã đã thuê 50 ha đất để trồng mì công nghệ mới với kỹ thuật lên luống phủ bạt và tưới nước nhỏ giọt. Trong đó, 10 ha trồng giống mì HN1, còn lại là giống KM94. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 20 hộ dân trồng 40 ha mì.

Ông Trương Đức Huy-Giám đốc HTX-cho hay: Việc trồng mì phủ bạt và tưới nước nhỏ giọt giúp ngăn chặn bệnh khảm lá; giảm chi phí chăm sóc, làm cỏ; chống ngập úng làm thối củ. Đặc biệt, mô hình này rút ngắn thời gian trồng nên chu kỳ trồng mì tăng lên 3 vụ/2 năm và hướng đến 2 vụ/năm. Không những vậy, năng suất đạt 40-60 tấn/ha, tăng 2-3 lần so với trồng mì theo phương pháp cũ.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa tổ chức hội thảo tổng kết mô hình thâm canh cây mì giống mới áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Ảnh: L.N

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa tổ chức hội thảo tổng kết mô hình thâm canh cây mì giống mới áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Ảnh: L.N

“Thời gian tới, HTX sẽ vận động bà con nông dân áp dụng mô hình này thông qua việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, HTX thuê đất 5% của địa phương để mở rộng mô hình. Niên vụ 2024-2025, HTX đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Thương mại-Chế biến nông lâm sản Đường Vạn Phát với sản lượng 1.500 tấn củ, giá bao tiêu là 2.600 đồng/kg mì 30 độ điểm bột tại nhà máy”-ông Huy chia sẻ.

Ông Âu Thành Trung-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho hay: Năm nay, Trung tâm triển khai trồng giống mì HN1 trên diện tích 20 ha của 15 hộ dân ở các xã: Phú Cần, Chư Ngọc, Chư Gu, Đất Bằng, Ia Rsươm, Uar, Ia Hdreh và Krông Năng.

Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 100 bó cây giống/ha (tương đương 14.000 hom giống). Sau khi thu hoạch, các hộ trả lại 70% giống cho UBND xã để cấp cho các hộ khác nhân rộng mô hình. Ngoài ra, Trung tâm còn trồng giống mì HN1 trên diện tích 1,5 ha tại vườn ươm của huyện.

Người dân huyện Krông Pa thu hoạch cây mì. Ảnh: L.N

Người dân huyện Krông Pa thu hoạch cây mì. Ảnh: L.N

“Định hướng của huyện là tiếp tục chuyển đổi giống mì cũ năng suất thấp, kháng sâu bệnh kém sang trồng giống mì mới sạch bệnh (HN1, HN3, HN5). Huyện khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua, trồng, trao đổi, vận chuyển các giống mì không rõ nguồn gốc, giống bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút, đặc biệt là giống mì HL-S11.

Thay vào đó, người dân nên sử dụng các giống mì có khả năng kháng bệnh khảm lá do Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo gồm: HN1, HN3, HN5, HN6, HN80 và HN97. Đây là những giống mì có năng suất cao (38-64 tấn/ha), hàm lượng tinh bột cao (26-30%), kháng bệnh khảm lá 100%. Mục tiêu của huyện sớm phủ kín toàn bộ giống mì mới này trên địa bàn”-ông Trung thông tin thêm.

Trong khi đó, ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-khuyến cáo: Để thâm canh cây mì bền vững, người dân cần chọn giống có năng suất, hàm lượng tinh bột cao, sạch bệnh; nên luân canh, xen canh với cây trồng khác; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác thích hợp từng vùng, chú ý đầu tư phân bón cải tạo đất.

Ngoài ra, người dân nên kết hợp các biện pháp canh tác như: cày ải, lên luống chống xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng, nhất là trên vùng đất triền gò. Đặc biệt, cần áp dụng quy trình phủ bạt ni lông nhằm giảm công lao động; phối hợp với các nhà máy xây dựng vùng nguyên liệu mì ổn định để có cơ sở đầu tư phát triển lâu dài.

Có thể bạn quan tâm