(GLO)- Mì đã được coi là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa, Gia Lai. Tuy nhiên, diện tích mì liên tục tăng cao những năm gần đây khiến quy hoạch loại cây trồng này trên địa bàn huyện bị phá vỡ.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, kế hoạch vụ mùa 2018, toàn huyện trồng mới 17.500 ha mì. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân trên địa bàn đã trồng được 18.750 ha (đạt 107% kế hoạch). Cộng thêm 1.730 ha mì vụ Đông Xuân, tổng diện tích loại cây trồng này trên địa bàn huyện hiện đã lên đến 20.480 ha. Diện tích này cao gấp hơn 2,5 lần so với quy hoạch của huyện đến năm 2020 (8.500 ha).
Nông dân Krông Pa chăm sóc mì. Ảnh: L.N |
Nguyên nhân khiến diện tích mì ở huyện Krông Pa không ngừng tăng bất chấp khuyến cáo hàng năm của địa phương là bởi loại cây trồng này ít tốn công chăm sóc, rất phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, với điều kiện thời tiết nắng nóng như ở Krông Pa thì cây mì luôn được người dân ưu tiên lựa chọn để tránh rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Phượng (thị trấn Phú Túc) cho biết: “Nhà tôi có 4 ha đất, chủ yếu là trồng mì. Trước đây, tôi cũng trồng mè nhưng thường xuyên bị mất mùa do hạn nên quay lại với cây mì. Đây là loại cây rất dễ trồng và chăm sóc, lại có thể chịu hạn tốt. Tuy giá mì có bấp bênh nhưng chúng tôi cũng không biết trồng cây gì khác”. Tương tự, anh Ner Xuân (xã Phú Cần) cho hay: “Nhà mình có gần 1 ha đất, chủ yếu để trồng mì. Mình cũng trồng thử cây bắp nhưng ở đây nắng quá, bắp không lên được. Trồng mì, mình chỉ cần làm cỏ 1-2 đợt, nếu có điều kiện thì bón thêm ít phân là cây phát triển tốt”.
Việc diện tích mì tăng vọt đã phá vỡ quy hoạch một số cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa như: bắp, đậu, điều. Mặt khác, khi trồng mì liên tục trong 3 năm trở lên sẽ làm cho đất bạc màu, sản xuất kém hiệu quả. Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Hiện nay, diện tích cây trồng vụ mùa 2018 trên địa bàn huyện đã cơ bản gieo trồng xong, chỉ còn một số cây đang tiếp tục trồng, như: bắp vụ 2, rau củ quả các loại, điều, khoai lang. Nhìn chung, năm nay thời tiết khá thuận lợi cho cây trồng phát triển. Riêng đối với cây mì, UBND huyện đang đề nghị UBND tỉnh cho điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 21.000 ha. Trên thực tế, cây mì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nhưng nếu trồng nhiều năm liên tục sẽ làm cho đất bị bạc màu, thoái hóa. Huyện đã khuyến cáo người dân phải đầu tư cải tạo đất bằng cách trồng luân canh các loại cây họ đậu. Hiện cũng khó kiếm cây trồng khác có hiệu quả kinh tế để thay cây mì.
Cũng theo ông Duyên, với diện tích mì đến năm 2020 là 21.000 ha sẽ đáp ứng đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy trên địa bàn hoạt động. Tuy nhiên, các nhà máy phải có chính sách thu mua hợp lý như ký hợp đồng liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm với người dân để giữ vững nguồn nguyên liệu; tránh tình trạng tranh mua, tranh bán. Nếu không đầu tư liên kết thì người dân có thể sẽ bán cho những doanh nghiệp khác và chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Hiện nay, cùng với việc điều chỉnh quy hoạch, huyện Krông Pa đang có những định hướng cụ thể trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây trồng mới phù hợp với điều kiện sản xuất, có năng suất, hiệu quả để thay thế cây mì. Theo ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa: Huyện đã vận động bà con không mở rộng diện tích cây mì mà tập trung thâm canh để nâng cao năng suất. Hàng năm, huyện đều có chính sách hỗ trợ giống mới cấp cho người dân. Ngoài ra, thực hiện kế hoạch trồng rừng, huyện đang vận động thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm mà bà con trồng mì để chuyển sang trồng rừng.
Lê Nam