Krông Pa: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chính quyền các cấp và các ngành chức năng huyện Krông Pa (Gia Lai) luôn quan tâm giải quyết việc làm cho người dân.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động
Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa, toàn huyện hiện có khoảng 40.000 người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, trong số này, lao động có trình độ chuyên môn chỉ chiếm khoảng 17%. Trung bình hàng năm, trên địa bàn huyện Krông Pa có khoảng 900-1.000 lao động có việc làm mới. “Điểm yếu của người lao động tại Krông Pa là vẫn còn nhiều trường hợp chưa chủ động, tích cực tìm hướng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hơn nữa, thanh niên dân tộc thiểu số phần lớn có tâm lý ngại đi làm xa nhà”-ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa-chia sẻ.
 Lao động thời vụ tham gia làm việc tại công trình nâng cấp tuyến đường Thống Nhất (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Hòa
Lao động thời vụ tham gia làm việc tại công trình nâng cấp tuyến đường Thống Nhất (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Hòa
Hầu hết lao động tại Krông Pa chỉ làm việc theo thời vụ khi vào mùa thu hoạch nông sản hay khi trên địa bàn triển khai công trình xây dựng. Tuy nhiên, theo đánh giá, cùng một yêu cầu công việc lao động phổ thông như thợ xây dựng, nhân công thu hoạch mùa vụ… thì các chủ sử dụng lao động vẫn thích tuyển người từ các tỉnh lân cận như: Phú Yên, Bình Định bởi chất lượng tay nghề và thái độ làm việc tốt hơn. “Nhiều chủ sử dụng lao động than phiền người dân tộc thiểu số ý thức kỷ luật lao động không cao, năng suất làm việc hạn chế và phải có người giám sát mới làm việc. Điều này khiến tiến độ và chất lượng công việc bị ảnh hưởng”-ông Hường phân tích.
Cũng theo thống kê của cơ quan chuyên môn, số lao động trẻ có độ tuổi từ 15 đến 30 trên địa bàn huyện Krông Pa hiện vào khoảng 15.000 người. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đặc biệt quan tâm với mục đích cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn. Một số ngành nghề được huyện chú trọng triển khai đào tạo, như: nông nghiệp, thợ nề, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng… Năm 2017, toàn huyện đã đào tạo sơ cấp cho 313 lao động; năm 2018 tiếp tục đào tạo nghề cho 213 lao động nông thôn. Đáng chú ý, khoảng 2/3 số người tham gia đào tạo nghề hàng năm là đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Nhờ đó, chất lượng nguồn lao động trên địa bàn huyện đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ.
Anh Lưu Văn Cường (25 tuổi, trú tại thôn 9, xã Uar) là bộ đội xuất ngũ cho biết: “Nhờ có lớp đào tạo nghề ngay tại địa phương nên tôi có thể vừa làm, vừa theo học lớp lái xe tải. Tôi dự tính khi học xong sẽ xin lái xe thuê cho đơn vị, doanh nghiệp nào đó một thời gian để có thu nhập và tích lũy kinh nghiệm. Sau này, khi có điều kiện, tôi sẽ tự mua xe riêng để làm ăn”.
Nhìn nhận về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương, chị Đinh Thị Tươi-Bí thư Đoàn xã Uar-khẳng định: “Những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương đã mở được một số lớp đào tạo nghề nông nghiệp, lái xe, sửa xe, điện dân dụng… Nhờ đó, ĐVTN trên địa bàn đã nâng cao được trình độ lao động. Một số thanh niên sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm kiếm thêm thu nhập để cải thiện đời sống”.
Kết nối, tìm kiếm cơ hội việc làm
Năm 2018, lần đầu tiên, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức phiên giao dịch việc làm tại cụm 4 xã: Ia Rsươm, Chư Rcăm, Ia Rsai và xã Uar với sự tham gia của hơn 200 ĐVTN. Anh Kpah Tâm-Bí thư Huyện Đoàn Krông Pa-chia sẻ: “Đây là hoạt động thiết thực bởi lao động nông thôn hiện nay trình độ rất đa dạng, có bạn tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nhưng chưa có việc làm; cũng có bạn chưa qua đào tạo… Bởi vậy, nhu cầu thực tế của lao động rất phong phú. Tiếp cận với các đơn vị tư vấn và tuyển dụng lao động, dù có tìm được việc làm hay không thì các bạn cũng đã thu nạp được cho mình những thông tin cần thiết về nhu cầu tuyển dụng, mức thu nhập, các điều kiện cần có của người lao động hiện nay để từ đó có những định hướng phù hợp với bản thân”.
Trước đó, năm 2017, huyện Krông Pa có 58 người đi xuất khẩu lao động tại các nước: Malaysia, Ả-rập Xê-út, Đài Loan… Từ đầu năm 2018 đến nay, số người đăng ký đi xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện giảm xuống còn 24 người. Trong số này có 13 trường hợp đã đi xuất khẩu lao động, các trường hợp còn lại vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục cần thiết. Xuất khẩu lao động đang được đánh giá là hướng đi hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động ở Krông Pa hiện nay. “Năm 2017, xã Ia Rsươm có 20 trường hợp đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là phụ nữ, ĐVTN. Tuy phải chịu các áp lực như: điều kiện sống và làm việc xa gia đình, phải thích nghi với công việc ở đất nước khác… nhưng so với làm nông tại địa phương, thu nhập từ đi xuất khẩu lao động cao hơn nhiều. Nhiều bạn trẻ nhờ đi xuất khẩu lao động đã đem về cho gia đình nguồn thu nhập khá để cải thiện cuộc sống, thoát nghèo và có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất”-chị Đỗ Thị Đài Trang-Bí thư Đoàn xã Ia Rsươm-cho biết.
Bên cạnh tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp giúp tạo nguồn thu nhập cho người lao động, việc thúc đẩy người lao động, đặc biệt là lực lượng ĐVTN tham gia khởi nghiệp cũng được Đoàn Thanh niên các cấp ở huyện Krông Pa chú trọng triển khai. “Trên địa bàn huyện hiện có một số mô hình khởi nghiệp nông nghiệp hiệu quả như: trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi của đoàn viên Đỗ Thanh Sơn (tổ dân phố 9, thị trấn Phú Túc), trang trại nuôi bò của anh Nguyễn Văn Nhân (tổ dân phố 2, thị trấn Phú Túc)… Tuy nhiên, hầu hết các bạn trẻ khởi nghiệp đều gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư và tìm đầu ra cho sản phẩm. Do đó, để hỗ trợ tốt nhất cho các bạn trẻ khởi nghiệp cần sự vào cuộc của các cấp bộ Đoàn và các ban, ngành, đơn vị trên địa bàn. Và trên hết, rất cần sự nỗ lực, sáng tạo vượt qua khó khăn từ chính mỗi chủ thể khởi nghiệp”-Bí thư Huyện Đoàn Krông Pa nhấn mạnh.
* Ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa: Đẩy mạnh xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm
 
Người lao động ở Krông Pa, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của một số thị trường lao động như: Malaysia, Ả-rập Xê-út, Đài Loan… Sau khi kết thúc hợp đồng tham gia xuất khẩu lao động, người lao động sẽ có nguồn vốn nhất định để quay trở về địa phương đầu tư phát triển kinh tế. Thực tế có những trường hợp tham gia xuất khẩu lao động từ tay trắng đã gửi tiền về cho người thân mua thêm vườn, ruộng để mở rộng sản xuất hoặc đầu tư vào những ngành nghề phù hợp của bản thân.
* Chị Đỗ Thị Đài Trang-Bí thư Đoàn xã Ia Rsươm: Cần chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên
 
Xã Ia Rsươm hiện có 230 đoàn viên thanh niên và trên 400 thanh niên trong độ tuổi từ 17 đến 25. Trong đó, lượng đoàn viên thanh niên đã qua đào tạo và có trình độ tay nghề chiếm tỷ lệ không cao. Hiện nay, ngoài một số ít bạn tham gia kinh doanh nhỏ lẻ hay mở trang trại trồng trọt, chăn nuôi, phần lớn còn phụ thuộc vào gia đình, không có việc làm ổn định. Để phát huy tinh thần lập thân, lập nghiệp cũng như khởi nghiệp thành công, các bạn rất cần có thêm nền tảng vô cùng quan trọng đó là kiến thức thông qua đào tạo nghề.
* Anh Võ Đình Long (tổ dân phố 9, thị trấn Phú Túc): Cần hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp
 
Đoàn viên thanh niên hầu hết chỉ có ý chí là tài sản lớn nhất để khởi nghiệp. Họ luôn gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Như bản thân tôi, khi lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng không nhận được sự đồng tình của ba mẹ. Vì vậy, tôi không tìm được cho mình một nguồn vốn dù chỉ là vài chục triệu đồng ban đầu để có thể bắt tay khởi nghiệp như dự tính. Từ thực tiễn này, tôi thấy rằng, khi được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, thanh niên có điểm tựa vững chắc hơn để khởi nghiệp.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm