Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Krông Pa quan tâm đào tạo nghề lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù thời gian đào tạo chỉ 3 tháng nhưng những lớp dạy nghề sơ cấp được tổ chức tại các xã, thị trấn của huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã phát huy hiệu quả.

 Chị Ksor Thu Kiều (buôn Tang, xã Phú Cần) sau khi học nghề cắt may đã mua máy về nhận may và sửa quần áo tại nhà. Ảnh: Phạm Ngọc
Chị Ksor Thu Kiều (buôn Tang, xã Phú Cần) sau khi học nghề cắt may đã mua máy về nhận may và sửa quần áo tại nhà. Ảnh: Phạm Ngọc

Do không có việc làm ổn định, tháng 2-2022, chị Ksor Thu Kiều (buôn Tang, xã Phú Cần) quyết định đăng ký khóa học nghề cắt may do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở tại xã. Sau khi hoàn thành khóa học, chị mua máy về nhận may và sửa quần áo tại nhà. Chị Kiều cho biết: “Tranh thủ lúc nông nhàn, tôi nhận may gia công quần áo cho các hiệu may, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tôi dự định sẽ kèm cặp nghề may cho chị em trong buôn để tiến tới thành lập tổ may gia công nhằm nhận được nhiều đơn hàng hơn, giúp ổn định cuộc sống”. Mong muốn của chị Kiều cũng là suy nghĩ của nhiều lao động sau khi được học nghề. Bởi với trình độ nghề sơ cấp, làm việc đơn lẻ trong môi trường lao động cạnh tranh thì chắc chắn hiệu quả công việc và thu nhập sẽ không cao.

Nhờ được đào tạo nghề, anh Nay Thướt (buôn Tiêng, xã Uar) từ một phụ hồ trở thành thợ chính với mức thu nhập ổn định và cao hơn trước nhiều. Anh cho hay: “Tôi theo nghề xây dựng từ lâu, nhưng trước đây chỉ làm các khâu đơn giản nên tiền công không cao. Đầu năm 2022, khi biết thông tin có lớp đào tạo nghề xây dựng được tổ chức tại địa phương, tôi đăng ký tham gia. Sau khi tốt nghiệp khóa học, tôi được chủ thầu chuyển qua thợ chính với thu nhập 350 ngàn đồng/ngày”.

 Chị Nay H'Ơm (bìa trái; buôn Chư Krih, xã Chư Drăng) trong giờ học nghề chăn nuôi thú y. Ảnh: Phạm Ngọc
Chị Nay H'Ơm (bìa trái; buôn Chư Krih, xã Chư Drăng) trong giờ học nghề chăn nuôi thú y. Ảnh: Phạm Ngọc


Còn chị Nay H'Ơm (buôn Chư Krih, xã Chư Drăng) đang theo học lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y. Lớp học được tổ chức vào buổi tối nên nhiều chị em trong buôn đã thu xếp công việc gia đình để tham gia. “Trước đây, tôi chỉ chăn nuôi heo, gà theo thói quen cũ. Từ ngày đi học, lúc gia cầm bị bệnh, tôi đã biết cách dùng thuốc để điều trị cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Sau khi học nghề, tôi rất mong được hỗ trợ vay vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định”-chị H'Ơm bày tỏ.

Năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pa đã tổ chức 6 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm: điện dân dụng, tin học, cắt may, chăn nuôi thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, xây dựng với gần 200 học viên tham gia. Tất cả các lớp đều được tổ chức vào buổi tối nên học viên có thể vừa học, vừa giải quyết việc gia đình.

Trao đổi với P.V, ông Nay Bé-Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện-cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho lao động nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Thời gian khóa học là 3 tháng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học tập. Ngoài ra, khi tham gia học nghề, các học viên được miễn 100% học phí, được cung cấp miễn phí tài liệu, giáo trình, bút, vở và chế độ liên quan khác. Qua đào tạo nghề, học viên nắm vững nguyên tắc cơ bản của từng ngành nghề mà họ đăng ký nên hiệu quả mang lại khá rõ rệt, nhiều lao động có việc làm ổn định và mức thu nhập tăng lên đáng kể. “Thời gian tới, Trung tâm chú trọng liên kết với các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, từ đó có kế hoạch đào tạo hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nắm chắc nhu cầu học nghề phù hợp với lao động, dự báo nhu cầu việc làm để tổ chức các lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm hiệu quả”-ông Nay Bé thông tin.

 

 PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm