Điểm đến Gia Lai

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Người dân xã Đất Bằng trồng rừng bằng giống cây keo lai. Ảnh: Lê Nam

xã Đất Bằng có hơn 6.400 ha đất lâm nghiệp, trong đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai quản lý 2.208 ha; UBND xã quản lý 4.196ha (rừng tự nhiên 4.175 ha; rừng trồng 21ha). Hiện UBND xã đã giao 2.151,9 ha rừng cho 125 hộ quản lý. Ông Rô Krik-Chủ tịch UBND xã Đất Bằng-cho hay: Trên cơ sở Nghị quyết của Huyện ủy, Đảng ủy xã đã ban hành kế hoạch về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, UBND xã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể chính trị-xã hội xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại các buôn. Đặc biệt, xã chú trọng vận động người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng; tự nguyện kê khai, trả lại diện tích đất rừng lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và hưởng lợi theo quy định của Nhà nước.

Hiện nay, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba quản lý nằm trên địa giới hành chính của 5 xã: Ia Rsươm, Uar, Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Đreh; chiều dài giáp ranh 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk 36,6 Km; giáp ranh thị xã Ayun Pa 10 km. Tổng diện tích đất lâm nghiệp quản lý 24.626,7 ha (đất có rừng tự nhiên 19.321,7 ha, đất trống 5.305 ha). Ông Nguyễn Đình Sơn-Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba-cho biết: Đơn vị luôn xác định công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị. Đơn vị thường xuyên củng cố, kiện toàn lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách, duy trì nghiêm túc Kế hoạch công tác và phân công nhiệm vụ, phân công trực của các tổ, trạm quản quản lý vệ rừng. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đảng viên, viên chức, người lao động trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại gốc. “Thời gian qua, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, tình hình vi phạm Luật lâm nghiệp được phát hiện, xử lý kịp thời vì thế không để xảy ra vi phạm nghiêm trọng và không để xảy ra vụ cháy rừng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển rừng”-ông Sơn thông tin.

Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cấp cây giống cho người dân tại xã Đất Bằng để trồng rừng. Ảnh: Lê Nam

Sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, huyện Krông Pa có diện tích đất có rừng 77.572,4 ha (rừng tự nhiên 74.070,4 ha, rừng trồng 2.010,1 ha, rừng trồng chưa thành rừng 1.491,9 ha). Tỷ lệ che phủ rừng 46,86%; tỷ lệ che phủ chung đạt 50,56% (tăng 0.15% so với năm 2021). Hàng năm, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn, đơn vị chủ rừng triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây phân tán góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Giai đoạn 2021-2024, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã tổ chức 54 đợt tuyên truyền tập trung thu hút hơn 4.260 lượt người tham gia; 491 đợt tuyên truyền cá biệt tại tại nhà, chòi rẫy của người dân, tuyên truyền trong các đợt tuần tra, kiểm tra rừng; tuyên truyền tập trung với quy mô nhỏ lồng ghép trong các cuộc họp giao ban, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ ở xã, tại các thôn/buôn; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh thu hút khoảng 12.560 lượt người tham gia.

Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện-cho biết: Giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn huyện trồng được 391,1 ha rừng tập trung (đạt 78,22% so với Nghị quyết đề ra đến năm 2025). Bên cạnh đó, Hạt phối hợp với ngành chức năng, UBND các xã, đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra, truy quét tại các khu vực trọng yếu thường xảy ra vi phạm. Đồng thời, hàng năm, kiện toàn Ban chỉ huy phồng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) các cấp, xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR. Giai đoạn 2021-2024, Hạt Kiểm lâm đã thực hiện cấp phát cho UBND các xã 40 bảng quy định PCCCR, 60 bảng tam giác cấm lửa, cấm chặt và đốt rừng, 40 bảng tam giác cấm săn bắt động vật rừng, 9 bảng nội quy tuyên truyền bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, 3 biển báo tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, 16.550 tờ cam kết an toàn lửa rừng, 4.733 tranh tuyên truyền PCCCR, 162 dụng cụ thô sơ chữa cháy rừng các loại (bàn dập lửa, cuốc, xẻng, rựa, cào cỏ). Bố trí lực lượng trực PCCCR 24/24 giờ trong những tháng cao điểm mùa khô; tổ chức tuần tra, canh gác lửa rừng tại các trọng điểm cháy; kiểm tra, hướng dẫn người dân kỹ thuật xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi thông tin trên trang web của Cục Kiểm lâm http://www.kiemlam.org.vn hoặc các phần mềm phát hiện sớm cháy rừng “Hotspot GLA”, “Gia Lai FFW” được cài đặt trên điện thoại thông minh; thông báo cấp dự báo cháy rừng hàng ngày cho UBND các xã, các đơn vị chủ rừng để chủ động triển khai các biện pháp PCCCR… “Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng”-ông Dụng thông tin thêm.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Ksor Tin: Công tác quản lý bảo vệ rừng được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng năm, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả; có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, UBND các xã, đơn vị chủ rừng và sự tham gia tích cực của người dân. Công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, trong đó thường xuyên trao đổi thông tin, triển khai các hoạt động phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng, nhờ đó nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện, xử lý kịp thời, một số vụ việc được phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu nên không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Công tác PCCCR được thực hiện có hiệu quả, các lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị thường xuyên tuần tra, canh gác lửa rừng, theo dõi, phát hiện và dập tắt kịp thời các đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, cháy lan vào rừng. Thông qua các chương trình MTQG, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, dịch vụ môi trường rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo cho người dân.

Có thể bạn quan tâm