Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ksor Quynh đưa tiếng đàn klông pút ngân xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xuất phát từ niềm đam mê và tình yêu nhạc cụ dân tộc, anh Ksor Quynh (26 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tự học cách chơi và chế tác đàn klông pút, góp phần đưa những giai điệu thiết tha, sâu lắng của tre nứa mãi ngân xa.

 Mỗi chiếc đàn klông pút do anh Ksor Quynh chế tác thường có từ 7 đến 10 ống nứa. Ảnh: Mai Ka
Mỗi chiếc đàn klông pút do anh Ksor Quynh chế tác thường có từ 7 đến 10 ống nứa. Ảnh: Mai Ka

Trò chuyện với tôi, anh Quynh chia sẻ: Khi còn nhỏ, anh thường lân la đến Hợp tác xã Sản xuất nhạc cụ Tây Nguyên xem nghệ nhân Rơ Châm Tih và bố mình chế tác các loại nhạc cụ truyền thống. Anh đứng hàng giờ dõi mắt theo đôi tay tài hoa của nghệ nhân và đặc biệt thích đàn klông pút bởi âm thanh của nó mạnh mẽ, lôi cuốn người nghe. “Sau đó, mình được nghệ nhân Rơ Châm Tih truyền dạy nghề chế tác nhạc cụ. Với khả năng thẩm âm tốt, chỉ sau một thời gian cần mẫn học hỏi, mình đã làm ra những chiếc đàn klông pút”-anh Quynh kể.

Nhìn anh Quynh miệt mài ngồi vót từng ống nứa, tôi thêm hiểu vì sao nghệ nhân Rơ Châm Tih lại dày công truyền dạy cho học trò. Vừa chỉ cho tôi cách chơi đàn, anh vừa khẽ nghiêng người, đôi tay thoăn thoắt vỗ đều vào các đầu ống nứa để hơi gió lọt vào ống phát ra âm thanh. Theo anh Quynh, đàn klông pút truyền thống chỉ có từ 2 đến 5 ống nứa rỗng loại lớn, dài ngắn khác nhau. Ống ngắn nhất 60-70 cm, ống dài nhất 110-120 cm. Đường kính ống từ 5 đến 8 cm. Những ống này xếp thành một hàng trên giá đỡ, một bên là các đầu ống xếp bằng nhau, bên còn lại tạo thành một đường xéo theo thứ tự từ ống ngắn nhất đến dài nhất. Sau này, người ta chế tác nhiều cây đàn có từ 7 đến 10 ống tùy theo cách chơi của mỗi người. “Klông pút có âm sắc độc đáo, vừa có tính chất âm hơi lẫn âm vỗ. Khi đánh đàn klông pút, người chơi phải để 2 bàn tay gần đầu của ống nứa rồi vỗ vào nhau tạo ra hơi, tác động trực tiếp vào cột khí tạo ra âm thanh. Những âm thanh như tiếng gió, tiếng suối, tiếng của đại ngàn, khi vang lên có sức thu hút lớn”-anh Quynh cho hay.

2 Ngoài việc truyền dạy nghề cho lớp trẻ, Ksor Quynh còn chế tác đàn cho đội cồng chiêng của làng- Ảnh Mai Ka
Ngoài việc truyền dạy nghề cho lớp trẻ, Ksor Quynh còn chế tác đàn cho đội cồng chiêng của làng. Ảnh: Mai Ka


Với mong muốn gìn giữ và phát huy giá trị của nhạc cụ truyền thống, anh Quynh còn dành thời gian truyền dạy cho lớp trẻ. Theo anh, nếu thực sự đam mê thì người học sẽ nhanh chóng nắm được cách chơi đàn klông pút. Âm điệu cao hay thấp tùy vào cách vỗ mạnh hay nhẹ. Vậy nên, chỉ 1 cây đàn klông pút 5 ống do anh Quynh làm ra, người chơi có thể “vỗ’ trọn vẹn một bài hát trữ tình với đầy đủ tiết tấu. Tiếng đàn của anh Quynh cũng mang về niềm tự hào cho làng Chuét 2 khi liên tục giành giải cao trong các liên hoan âm nhạc truyền thống. Anh Quynh đã đưa tiếng đàn vang xa khắp mọi miền đất nước như: Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

Thời gian gần đây, anh Quynh còn thường xuyên hỗ trợ Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc của Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Anh phấn khởi cho hay: “Tôi rất mừng khi nhìn thấy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được thế hệ sau trân trọng giữ gìn và phát huy. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng các em rất có khiếu đánh cồng chiêng, chơi đàn. Việc thành lập những câu lạc bộ như thế này trong trường học rất ý nghĩa. Tôi rất vui vì đã góp phần công sức trong truyền dạy và tiếp lửa văn hóa truyền thống cho lớp trẻ”.

Ông Ak-già làng Chuét 2-tự hào nói: “Ksor Quynh là một trong số ít người chế tác được các loại nhạc cụ truyền thống, trong đó có klông pút. Quynh đã giúp làng mình quay lại với tiếng đàn klông pút. Và rồi, bọn trẻ trong làng cũng sẽ lấy đó làm tấm gương để noi theo”. Còn anh Siu Luk-Bí thư Chi Đoàn làng Chuét 2 thì chia sẻ: “Ngoài việc truyền dạy nghề cho lớp trẻ, anh Quynh còn chế tác các loại đàn như klông pút, trưng… cho đội nghệ nhân của làng tham gia biểu diễn trong các lễ hội”.

 

MAI KA

Có thể bạn quan tâm