Phóng sự - Ký sự

Kỳ 2: Mất rừng, mất luôn cán bộ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ tính riêng trong năm 2017, CQĐT CA tỉnh Đắk Nông đã xử lý đối với 4 đơn vị chủ rừng là Công ty LN Quảng Đức, Gia Nghĩa, Trường Xuân, Đức Hòa; đồng thời ra quyết định khởi tố 11 vụ án hình sự với 42 bị can về hành vi 'Hủy hoại rừng'; khởi tố 4 vụ, 6 bị can về hành vi 'Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng'. Riêng với các Công ty LN nói trên, hàng chục cán bộ lãnh đạo cũng rơi vào vòng lao lý về tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'...

CQĐT CA tỉnh Gia Lai đọc lệnh bắt ông Trần Đức Tính - Công ty LN Trường Xuân.



Ngày 29-11-2017, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Đắk Nông đã kết luận điều tra về vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH MTV LN Đức Hòa. Theo đó, ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Đình Dũng (1962, trú tổ 1, P. Nghĩa Đức, TX Gia Nghĩa - Giám đốc Cty), Đinh Văn Triều (1973, trú thôn 3A3, xã Đắk Mol, H. Đắk Song - nguyên Phó Giám đốc Cty), Nguyễn Thế Nga (1965, trú thôn Rừng Lạnh, xã Đắk Hòa, H. Đắk Song - nguyên Trưởng phòng QLBVR Công ty Đức Hòa) về cùng hành vi nói trên.

Theo tài liệu của CQĐT, chỉ trong vòng 4 năm (2010-2014), diện tích rừng tự nhiên trên lâm phần do Công ty LN Đức Hòa quản lý đã bị hủy hoại tới hơn 1,4 ngàn ha. Điều đáng nói, nguyên nhân để mất hàng ngàn héc-ta rừng tự nhiên của Công ty này đều xuất phát từ sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo Công ty với công việc được giao. Cụ thể, khi CQĐT CA tỉnh Đắk Nông xác minh tại 26 hiện trường rừng bị phá được Công ty LN Đức Hòa lập hồ sơ xử lý vi phạm từ năm 2010 đến năm 2014, thì phát hiện Công ty LN Đức Hòa đã không trồng rừng khôi phục hiện trạng hoặc khoanh nuôi tái sinh để QLBVR theo quy định mà còn “làm ngơ” cho người dân lấn chiếm trồng cây công nghiệp như cà-phê, tiêu... Điều đáng nói, người đang canh tác chính là đối tượng vi phạm bị xử lý trong các vụ phá rừng trước đó! Mặt khác, các diện tích rừng tự nhiên xung quanh vị trí bị phá đến thời điểm kiểm tra cũng không còn mà đã bị người dân phá lấn chiếm làm nương rẫy. Theo tài liệu CQĐT thu thập được, mặc dù vi phạm trong việc lấn chiếm, phá rừng làm rẫy nhưng từ năm 2010 đến khi kiểm tra, các hộ dân không bị Công ty LN Đức Hòa, UBND xã Đắk Hòa, Đắk Mol hay kiểm lâm địa bàn đến giải tỏa, nhắc nhở lập biên bản xử lý, kéo theo đó là một số hộ dân đã xây dựng nhà ở kiên cố trên diện tích đất lấn chiếm.

Hậu quả của việc buông lỏng quản lý, thậm chí “tiếp tay” của lãnh đạo Công ty LN Đức Hòa đã khiến cho trong tổng số hơn 784ha diện tích rừng tự nhiên được kiểm tra thì có hơn 255ha bị hủy hoại, hơn 590 ha diện tích đất LN bị lấn chiếm trồng các loại cây công nghiệp, diện tích rừng tự nhiên còn lại chỉ vỏn vẹn hơn 19ha. Trưng cầu giám định, CQĐT xác định với hơn 255ha rừng tự nhiên bị tàn phá đã gây thiệt hại hơn 45 tỷ đồng.

Tương tự, tại Công ty LN Trường Xuân, khi phát hiện các sai phạm trong công tác QLBVR, CQĐT CA tỉnh Đắk Nông đã nhanh chóng vào cuộc. Qua đó xác định, việc lãnh đạo Công ty giao trách nhiệm cho Tổ QLBVR không rõ ràng cụ thể, thiếu sự kiểm tra giám sát, không nắm được các nhân viên tuần tra bảo vệ như thế nào, cũng như việc không tập trung lực lượng bảo vệ, xem nhẹ, không lập biên bản đối với diện tích rừng bị hủy hoại liền kề để rừng tự nhiên bị phá trái phép với diện tích lớn trong một thời gian dài, dẫn đến hậu quả là gần 77ha rừng tự nhiên đã bị hủy hoại, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Với các chứng cứ thu thập được, CQĐT CA tỉnh đã hoàn tất hồ sơ, chuyển VKSND tỉnh Đắk Nông đề nghị truy tố các bị can, gồm Trần Quyết Tâm (nguyên Giám đốc Cty) và Trần Đức Tính (nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật - QLBVR của Công ty giai đoạn 2011-2014) cùng về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Còn tại Công ty LN Quảng Đức (Quảng Phú, H. Krông Nô), với hành vi tương tự, hậu quả là hơn 1,6 ngàn ha rừng tự nhiên bị hủy hoại trên toàn lâm phần, nên Lê Xuân Bảo (Giám đốc Cty), Thái Thanh Tâm (Tổ trưởng Tổ QLBVR) đã bị CQĐT CA tỉnh Đắk Nông khởi tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, hàng loạt cán bộ, nhân viên các tổ QLBVR thuộc Công ty này cũng phải chịu các hình thức kỷ luật khác nhau...


 

CQĐT CA tỉnh Đắk Nông đọc lệnh bắt tạm giam đối với Lê Xuân Bảo - nguyên Giám đốc Công ty LN Quảng Đức.



Rừng mất, đất lâm nghiệp bị xâm canh, tình trạng mua bán đất rừng diễn ra tràn lan… là hệ lụy khôn lường mà các Công ty LN để lại cho tỉnh Đắk Nông. Không chỉ các doanh nghiệp, Công ty LN do Nhà nước làm chủ sở hữu để mất rừng mà hàng loạt các dự án thuê đất, thuê rừng của các Công ty tư nhân cũng “góp phần” làm cho hàng ngàn héc-ta rừng tại Đắk Nông biến mất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đắk Nông hiện có 43 dự án sản xuất nông, lâm nghiệp và QLBVR, với diện tích đất được tỉnh giao, cho thuê khoảng 33.000 ha. Tuy nhiên, đến nay, hàng ngàn héc-ta rừng tự nhiên và đất rừng được UBND tỉnh giao cho các doanh nghiệp tư nhân thuê đã bị tàn phá, lấn chiếm; tình trạng xâm lấn, xung đột do tranh chấp đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp gây mất ANTT.

Để giải quyết hậu quả nặng nề của tình trạng mất rừng, tháng 7-2016, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định giải thể 6 Công ty LN gồm: Gia Nghĩa, Đức Lập, Quảng Đức, Thuận Tân, Trường Xuân, Quảng Tín. Vậy là sau nhiều năm thực hiện “sứ mệnh” giữ rừng, các Công ty LN tại Đắk Nông đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Rừng mất, trụ sở vắng lặng, đìu hiu, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ bị bắt giam… Hậu quả để lại cho tỉnh Đắk Nông không dừng lại ở chỗ hàng ngàn héc-ta rừng biến mất, mà còn vô số những hệ lụy khác cần phải giải quyết.

Tại Gia Lai, mới đây nhất, ngày 21-6, CQĐT CA tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can liên quan vụ mất gần 3.000ha đất lâm nghiệp, đất rừng. 4 bị can gồm ông Tưởng Tín và ông Nguyễn Đức (nguyên Trưởng BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ); ông Ngô Văn Bằng (Chủ tịch UBND xã Trà Đa, nguyên Chủ tịch UBND xã Diên Phú) và ông Mã Phi Bình (cán bộ địa chính xã Diên Phú) về hành vi “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định, BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã để “mất” gần 3.000ha đất lâm nghiệp, đất rừng. Trong số đất bị mất này, nhiều diện tích biến thành đất riêng của một số cán bộ trong BQL.

(còn nữa)
D.HÙNG - C.HẠNH (CAĐN)

Có thể bạn quan tâm