Kỳ 2: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt nhiều biện pháp song công tác cải cách hành chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Điều đó gây trở ngại không nhỏ trong việc cải thiện các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trên bảng xếp hạng cả nước. 
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa phổ biến
16 giờ, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vẫn tấp nập người dân ra vào. Bên trong, những hàng ghế đợi đều kín chỗ. Người ngồi đợi lấy kết quả, người lại đợi đến lượt nộp hồ sơ TTHC. Điều đó cho thấy, tỷ lệ người dân còn phụ thuộc vào việc nộp và nhận hồ sơ TTHC còn khá lớn dù cho dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực.
Ông Đỗ Văn Hùng (tổ 2, phường Đống Đa, TP. Pleiku) sau khi bấm số thứ tự thì ngồi xuống ghế đợi. Ông cho hay: “Hồ sơ TTHC, nhất là hồ sơ liên quan đến đất đai mình tự tay cầm đi nộp rồi đi lấy kết quả cho yên tâm, có thiếu sót gì thì nhân viên hỗ trợ bổ sung kịp thời. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tôi có nghe qua nhưng chưa thực hiện bao giờ”.
Người dân khu vực đô thị còn mơ hồ về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thì bà con ở vùng nông thôn lại càng lạ lẫm. Bà Rơ Lan Phoong (làng Mook Trêl, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) chẳng mấy khi có việc phải đi làm TTHC. Lần gần nhất bà đến bộ phận một cửa của UBND huyện là để làm lại chứng minh nhân dân.
Sau khi nghe giải thích về dịch vụ công trực tuyến, bà ngại ngùng nhìn chiếc điện thoại cũ trên tay rồi khẽ nói: “Nếu có làm giấy tờ gì thì mình vẫn đến trực tiếp làm thôi. Ở nhà đâu có phương tiện gì để chụp hình giấy tờ, không kết nối mạng thường xuyên để kiểm tra, lỡ có sai sót cũng không biết được”.
Trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tích hợp tại Cổng dịch vụ công tỉnh. Mặc dù đã triển khai tuyên truyền, vận động và hỗ trợ tối đa, song tỷ lệ phát sinh hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn còn khá thấp. Tính đến ngày 23-10-2020, toàn tỉnh phát sinh 2.957 hồ sơ mức độ 3; 3.065 hồ sơ mức độ 4. Con số này chiếm tỷ lệ khá thấp so với tổng số hơn 321.000 hồ sơ TTHC từ đầu năm đến nay.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.972 TTHC được cung cấp ở mức độ 2, trong đó có 325 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 150 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cùng với đó, tỉnh cũng xây dựng, cung cấp thí điểm một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thông qua các ứng dụng trên các thiết bị máy tính bảng, điện thoại thông minh… và tích hợp trên ứng dụng Zalo tại các Sở: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho rằng: “Kỹ năng, thói quen ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của người sử dụng dịch vụ còn hạn chế; chưa đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để làm việc trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong việc gửi các loại giấy tờ có giá trị như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, học bạ, bằng tốt nghiệp... Việc thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến tại một số cơ quan, đơn vị chưa triệt để, vẫn còn tình trạng yêu cầu nộp hồ sơ giấy và xử lý TTHC công trực tuyến còn mang tính hình thức”.

 Người dân vẫn trực tiếp đến nộp hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thay vì sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ảnh: Phương Linh
Người dân vẫn trực tiếp đến nộp hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thay vì sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ảnh: Phương Linh
Sở Giao thông-Vận tải có số lượng phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 đạt tỷ lệ khá cao. Hiện nay, Sở đang triển khai 18 TTHC mức độ 3, 25 TTHC mức độ 4 ở lĩnh vực vận tải. Trong năm 2019, Sở đã giải quyết 4.636 hồ sơ trực tuyến mức độ 4, trong đó có hơn 3.000 hồ sơ giải quyết ngay trong ngày.
Dù vậy, ông Nguyễn Trường Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cũng chỉ ra một số bất cập trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại đơn vị: “Tuy đã triển khai từ lâu song vẫn không nhiều người dân và tổ chức biết đến dịch vụ công trực tuyến. Người lớn tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan, đơn vị cho người dân cũng chưa đủ sâu rộng”.
Cùng ý kiến, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-chia sẻ: “Người dân chủ yếu nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp. Bởi lẽ, các TTHC cấp xã thường được xử lý trong buổi hoặc trong ngày, khoảng cách đi lại gần. Hiện nay, chưa có sự đồng bộ trong các quy định của Trung ương nên khi người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến vẫn đến nộp hồ sơ giấy để lưu trữ. Cách làm này cho thấy nhiều người chưa thấy tiện lợi khi sử dụng dịch vụ công này”.
Còn nhiều bất cập
Dịch vụ bưu chính công ích được triển khai nhiều năm qua nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nộp và nhận kết quả TTHC. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ này lại khá khiêm tốn. Trong giai đoạn 2017-2019, Bưu điện tỉnh tiếp nhận 94.903 hồ sơ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, tăng 41% khi tham gia đề án thí điểm. Song phần lớn các hồ sơ đều chỉ có phần tiếp nhận “lượt về” tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân-Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh-cho biết: “Mặc dù đội ngũ nhân viên bưu điện đã được đào tạo bài bản, luôn nhiệt tình, trách nhiệm nhưng người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng giao các giấy tờ quan trọng. Nhất là ở cấp xã, người dân vẫn tự đem hồ sơ TTHC đến nộp trực tiếp. Nhiều nhóm TTHC không thể chuyển giao cho nhân viên bưu điện vì theo quy định phải do cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện. Vì vậy, dịch vụ bưu chính công ích cũng gặp khó trong việc tiếp nhận hồ sơ tại nhà”.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành, địa phương, từ năm 2019, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn ở các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đất đai đã giảm đáng kể. Theo thống kê của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tính đến hết ngày 24-10-2020, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn là 99,11%. Thành công nhất trong việc xử lý hồ sơ trễ hạn phải kể đến TP. Pleiku.
Ông Nguyễn Ngọc Thông-Trưởng phòng Nội vụ TP. Pleiku-thông tin: “Hàng năm, Bộ phận một cửa của thành phố tiếp nhận khoảng 65.000 hồ sơ TTHC. Tỷ lệ đúng hạn luôn được duy trì 90-95%. Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn giảm xuống còn dưới 10%. Năm 2013, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn cao nhất là 11,01%. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn là 0,033%”.
Dù đã giảm khá nhiều song theo Trưởng phòng Nội vụ TP. Pleiku, rất khó để đạt được tỷ lệ 100% đúng hạn, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. “Khối lượng hồ sơ ở lĩnh vực này đặc biệt nhiều. Một số thủ tục đất đai còn phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương nên tốn nhiều thời gian xác lập và xác nhận hồ sơ. Ngoài ra, một số cán bộ, công chức xử lý hồ sơ chưa đúng quy trình, chưa kết thúc hồ sơ trên hệ thống hoặc hệ thống một cửa điện tử gặp sự cố dẫn đến hồ sơ bị trễ hạn”-ông Thông lý giải.
Đối với yêu cầu đơn giản hóa TTHC, ông Võ Quốc Hùng-Phó Giám đốc Sở Nội vụ-cho hay: “Từ năm 2011 đến ngày 31-5-2020, ngành chức năng đã tiến hành rà soát 396 TTHC. Tuy nhiên, các đơn vị đề xuất phương án đơn giản hóa chủ yếu thiên về cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục mà chưa rà soát các quy định TTHC còn bất cập, không cần thiết, không phù hợp hoặc không đáp ứng các quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ, chưa thực sự cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, hoạt động cải cách hành chính nhà nước còn một số bất cập. Như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính nhà nước, dù đã được triển khai đồng bộ song vẫn gặp khó trong khâu vận hành hệ thống.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhìn nhận: “Tỉnh ta vẫn thiếu nguồn nhân lực quản trị, vận hành các ứng dụng công nghệ thông tin đã triển khai, chưa thu hút được cán bộ có chuyên môn cao tại các đơn vị, địa phương. Một số cơ quan, đơn vị chưa bố trí được cán bộ chuyên trách dẫn tới khó khăn trong vận hành các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, nguy cơ mất an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn diễn ra”.
Ở tuyến cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã rất khó đạt chuẩn 100%. Một số địa phương điều kiện kinh tế khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số trình độ hạn chế nên số lượng cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn còn nhiều. Rồi TTHC ở một số lĩnh vực rườm rà; tính ổn định, đồng bộ của một số văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Giai đoạn 2011-2015, việc đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn ngân sách trung ương, kinh phí đầu tư thấp nên không đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa công sở cấp xã; còn giai đoạn 2016-2020 do ngân sách tỉnh đầu tư cũng gặp không ít vướng mắc, khó khăn.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm