Phóng sự - Ký sự

Kỳ cuối: Đất lành chim đậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cái thời gian nan bao cấp xa xưa, Đak Hlơ là vùng đất của quốc doanh. Một nông trường sản xuất kinh doanh đa ngành được thành lập tại đây để trồng mía, sản xuất đường, thuốc lá... gọi là Nông trường Sông Ba. Sản phẩm từ đây làm ra cũng mang tên ấy-đường Sông Ba, thuốc lá Sông Ba, mà hình như cũng có... rượu Sông Ba? Nó chẳng là gì so với chất lượng và mẫu mã sản phẩm cùng loại ngày nay, song cũng được nằm trong danh mục những món hàng phân phối theo tem phiếu, chỉ có cán bộ, công nhân, viên chức mới được ưu đãi. Người Gia Lai thời đó chắc chưa mấy ai quên “nỗi nhớ” một loại đường “ba đ”, thuốc lá “ba sông” mà nếu thiếu chúng trong nhu cầu chất ngọt và chất vừa đắng, vừa cay, vừa... say thì cũng là điều không dễ chịu.

Diện mạo nông thôn ở xã Đak Hlơ ngày càng khởi sắc. Ảnh: Đ.M.P

Thế rồi manh nha của cơ chế thị trường vào những năm nửa cuối thập niên 80 thế kỷ trước đã làm cho cái nông trường ấy không thể tồn tại thêm được nữa. Vùng đất Tân Lập-Đak Hlơ giờ đã hình thành nên vùng chuyên canh cây mía mà năng suất, chất lượng của nó được coi là nhất nhì trong khu vực-80 đến 120 tấn mía cây/ha. Với những bàn tay chịu thương chịu khó, một nắng hai sương, những người nông dân Đak Hlơ đã xây dựng nên xã nông thôn mới, là xã đầu tiên được công nhận vào năm 2014 của huyện Kbang, một trong những huyện mà Trung ương chọn làm thí điểm cho việc xây dựng nông thôn mới trong cả nước!

Chủ tịch UBND xã Bùi Phích chia sẻ: Xã nhà mới được thành lập hồi năm 1993. “Sinh sau đẻ muộn” nên bắt tay vào làm chuyện gì cũng gặp khó. Nhưng cái khó cũng chẳng thể bó hết cái khôn. Chuyện làm ăn của bà con trong xã dần dần tạm ổn. Dù “con năm cha bảy mẹ” hợp thành nhưng được cái là có cái “gốc công nhân” của nông trường xưa để lại, cũng là vùng “đất lành chim đậu”, cho nên với bà con nơi đây, chuyện hăng say lao động, biết chung tay đoàn kết giúp đỡ tương trợ cho nhau là chuyện dễ hiểu. Với diện tích tự nhiên chưa đầy 2 ngàn ha, mà gần 90% số đất đó là dành cho sản xuất nông nghiệp, trầy trật, trăn trở mãi với bao loại cây, con, rốt cùng thì cây mía cũng trụ vững. Từ ngày có Nhà máy Đường An Khê đầu tư, hỗ trợ một phần vốn và bao tiêu sản phẩm, dẫu có còn đôi chút “nọ, kia” chưa trọn vẹn trong mối quan hệ “bốn nhà” nhưng bà con trong xã cũng an tâm khi sản phẩm mình làm ra có nơi mua ổn định. Hỏi về chuyện “cánh đồng mía mẫu lớn”, Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt hào hứng đáp ngay: Không còn “mẫu” nữa đâu anh, bây giờ bà con nhiều xã ở Kbang, trong đó đi đầu là Đak Hlơ đã xây dựng những cánh đồng mía lớn rồi. Còn anh Bùi Phích cho hay, nhiều bà con ở Đak Hlơ đã đầu tư mua sắm các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, phương tiện vận tải, chủ động được khâu làm đất và vận chuyển sản phẩm từ ruộng đến nhà máy... Anh Phích còn có ước mơ, giá mà được như bên Công ty Mía đường-Nhiệt điện Ayun Pa, nghe bên đó họ và ngân hàng chung vốn cho bà con vay để mua máy thu hoạch mía hiện đại cả trên dưới chục tỷ đồng.

Đã là xã nông thôn mới, hẳn chúng ta biết những nội dung mà 19 tiêu chí đặt ra cần phải đạt, nhưng nhân đây cũng xin nêu vài con số trong bộ tiêu chí ấy để cùng chia sẻ niềm vui với bà con nông dân Đak Hlơ. Về thu nhập đầu người, tiêu chí này không dễ đạt ở mức cao, nhưng ở đây, năm ngoái con số quy tròn bình quân là 28 triệu đồng trên người; diện nghèo còn 40 hộ, chiếm 5,3%, chủ yếu số hộ đó nằm ở ngôi làng đồng bào Bahnar duy nhất trong 7 thôn, làng của xã; 91% người lao động trong độ tuổi có việc làm. Còn các tiêu chí thuộc về lĩnh vực hạ tầng sản xuất và xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần thì hiển nhiên là đều đã đạt và đạt trên cả chuẩn. Việc đó người viết bài này đã tận mục sở thị. Khi trao đổi với Chủ tịch Bùi Phích, tôi nêu nhận xét như trên về xã anh, anh chưa chịu hoàn toàn mà bảo: “Còn một số việc phải làm nữa, giao thông trong một số thôn còn phải tiếp tục vận động đầu tư xây dựng cho hoàn chỉnh; rồi củng cố, phát triển những tiêu chí “dễ bị tụt” kẻo lại rơi vào tình trạng “đạt được nông thôn mới thì dễ, nhưng giữ được và phát triển thì không dễ tí nào”, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức, cái mà người ta hay bảo là cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự đầu tư, giúp đỡ của huyện nữa...”.

Anh Phích đưa cho tôi bản kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 mà tập thể lãnh đạo xã sau khi tham khảo ý kiến của người dân đã quyết định. Theo kế hoạch này, quả là nhiều công việc rất nặng mà xã phải vượt qua, phải hoàn thành. Tôi chú ý đến “tổng tiền” cho kế hoạch, thấy con số không nhỏ, phân bổ trong 5 năm là gần 52 tỷ đồng. Đó là tổng số kinh phí từ nhiều nguồn, cả của Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ và vốn tín dụng, tiền của người dân đóng góp. Dù khó, tôi vẫn tin rồi đây Đak Hlơ sẽ làm được những gì như bản kế hoạch nêu trên. Bởi để làm được những điều trước đây, và trong tương lai cũng thế, Đak Hlơ biết dựa vào cái mà cứ tưởng đã cũ, biết rồi, nói mãi, nhưng không dễ ở đâu cũng làm được-là dựa vào dân, vào quy chế dân chủ ở cơ sở, vào khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và dân hưởng.

Vui mừng cùng bà con Đak Hlơ, vùng đất xưa vốn chịu nhiều đau đớn khi mà cả một ngôi làng trù phú, no ấm-Tân Lập ấy, đã bị quân Pháp san bằng. Nỗi đau đã qua cho dù ngót 70 năm rồi nhưng mỗi khi nhắc tới, người hậu thế vẫn thấy nhói trong tim. Vùng đất này, được sự quan tâm đầu tư xây dựng của các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của “chủ nhà”, giờ đã là một xã-nông-thôn-mới, nơi đi đầu trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của huyện Kbang anh hùng.

 Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm