Phóng sự - Ký sự

Ngành Giáo dục trên những chặng đường phát triển

Kỳ cuối: Kiên trì mục tiêu đổi mới giáo dục, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thành tựu trong công tác giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của tỉnh Gia Lai gần nửa thế kỷ qua là kết quả của sự nỗ lực không ngừng từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và các thế hệ học sinh, sinh viên.

Họ cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ, bám trường bám lớp, quyết tâm đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà từng bước vươn lên, sánh vai cùng các địa phương khác trên cả nước.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Tháng 10-1991, sau khi chia tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum thành tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum, công tác tổ chức đi vào hoạt động ổn định, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có kế hoạch cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu của Đảng lần thứ VII về công tác GD-ĐT: “Tiếp tục đổi mới, ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng GD-ĐT…

Về giáo dục phổ thông, tập trung thực hiện chương trình phổ cập giáo dục cấp I và chống mù chữ, phát triển cấp II, cấp III phù hợp với yêu cầu và điều kiện của nền kinh tế… Tăng cường đầu tư cho giáo dục miền núi và vùng dân tộc thiểu số, mở rộng các trường nội trú, quy hoạch đào tạo cán bộ, trí thức người dân tộc”.

Năm học 1991-1992, toàn tỉnh có 235 trường (231 trường phổ thông) với 4.246 lớp (3.605 lớp phổ thông) và 139.080 học sinh (trong đó có 122.017 học sinh phổ thông, 16.527 học sinh mầm non).

Trong thời kỳ này, ngành GD-ĐT Gia Lai đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; đầu tư cơ sở vật chất trường học, khuyến khích thầy-cô giáo có sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy và học, hạn chế tình trạng bỏ học nửa chừng. Tổ chức các hình thức lớp ghép và triển khai chương trình dạy lớp ghép ở những nơi thiếu điều kiện mở lớp, nhất là từ lớp 1 đến lớp 3.

Từ năm 1991 đến 1995, tỉnh đã đầu tư ngân sách cho ngành GD-ĐT tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước. Hệ thống trường dân tộc nội trú và bán trú từ tỉnh đến huyện được đầu tư xây dựng và củng cố. Đến năm 1995, bình quân 4 người có 1 người đi học.

Công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm đầu tư cả về quy mô, cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ảnh: Mộc Trà

Chất lượng giáo dục đã có những bước chuyển biến tích cực. Nếu như năm học 1991-1992, toàn tỉnh có 11 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia và 114 thầy-cô giáo đạt giáo viên dạy giỏi thì đến năm học 1995-1996 có 54 học sinh giỏi quốc gia và 367 nhà giáo đạt giáo viên dạy giỏi.

Phong trào thi đua “Hai tốt” đã phát triển đúng hướng, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như: Trường Phổ thông cơ sở Diên Hồng, Trường Mẫu giáo Hội Thương (Pleiku), Trường Phổ thông cơ sở Ia Dêr (Chư Păh), Trường Phổ thông cơ sở Kon Chiêng (Mang Yang)…

Năm 1995, ngành GD-ĐT Gia Lai được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất; đến năm 1998, được Bộ GD-ĐT tặng cờ công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ.

Bước qua thế kỷ XXI, trên cơ sở mục tiêu phát triển giáo dục đến năm 2010 của Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã có sự quan tâm đổi mới GD-ĐT một cách căn bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trải qua 3 thập kỷ phát triển giáo dục ở tỉnh miền núi, ngành GD-ĐT tỉnh đã rút được kinh nghiệm, có nhiều giải pháp tốt để phát triển giáo dục đi đúng hướng, phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước.

Năm 2001, UBND tỉnh có Chỉ thị số 15/CT-UBND về một số biện pháp xây dựng mạng lưới cơ sở GD-ĐT và đội ngũ nhà giáo trên cơ sở phát triển GD-ĐT theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa.

Đặc biệt, chú trọng xã hội hóa giáo dục mầm non, THPT, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên, dạy nghề. Giai đoạn 2001-2005, tổng nguồn tài chính đầu tư cho GD-ĐT lên đến gần 2.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách chiếm tỷ lệ 85% và các lực lượng xã hội đóng góp 15%. Các địa phương quy hoạch thêm 100 ha đất để xây dựng trường học, lớp học.

Giai đoạn này, cả tỉnh có 24 trường mầm non ngoài công lập với 11.300 học sinh; 1 trường tiểu học dân lập ở huyện Đak Đoa với 300 học sinh; 3 trường THPT bán công với 4.800 học sinh; giáo dục nghề nghiệp có 5 trường với 2.200 sinh viên hệ chính quy, 700 sinh viên hệ tại chức.

Đến năm 2005, bình quân cứ 3,4 người dân có 1 người đi học; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 95%. Năm học 2004-2005, toàn tỉnh có 322.976 học sinh, trong đó có 278.323 học sinh phổ thông các cấp, riêng học sinh dân tộc thiểu số hơn 130.000 em.

Chương trình kiên cố hóa trường lớp từng bước được đầu tư đáng kể, xóa dần trường lớp tạm bợ. Cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy và học được tăng cường; đội ngũ giáo viên lần lượt được chuẩn hóa; chất lượng dạy và học được nâng cao, thu hẹp sự chênh lệch giữa các vùng.

Công tác xã hội hóa ngành học mầm non đã đạt được những kết quả khả quan. Ảnh: Mộc Trà

Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được quan tâm; tạo điều kiện phát triển các loại hình trường lớp ngoài công lập; đa dạng hóa các loại hình đào tạo.

Kiên trì mục tiêu đổi mới giáo dục

Đề án đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giáo dục tỉnh Gia Lai (2006-2010) nêu rõ: “Phát huy tiềm năng, trí tuệ và vật chất trong Nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao hơn”.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều năm qua, Gia Lai vẫn kiên trì mục tiêu đổi mới GD-ĐT, nhất là đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, hình thành phong trào học tập trong toàn dân, xây dựng xã hội học tập.

Năm học 2011-2012, bậc mầm non có 20 trường ngoài công lập/236 trường (chiếm gần 8,5%); bậc học phổ thông có 2 trường ngoài công lập với 2.650 học sinh.

Đến năm học 2019-2020, hệ thống giáo dục mầm non dân lập, tư thục có 33 trường, 163 nhóm lớp, 204 nhóm trẻ gia đình, xây dựng được 122 phòng học; tuyển được 500 giáo viên ngoài công lập với mức chi trả lương hàng năm hơn 15 tỷ đồng.

Các trường phổ thông tư thục đa cấp ở TP. Pleiku tăng lên 4 trường, thu hút hàng ngàn học sinh từ mầm non đến THPT. Từ năm 2021, ngành GD-ĐT tỉnh đã có kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ giáo viên các cấp, xem đây là một trong những yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng dạy và học.

Đến năm 2023, số giáo viên mầm non được chuẩn hóa tăng từ 84,77% lên 88,71%; giáo viên tiểu học được chuẩn hóa tăng từ 81,36% lên 84,6%; giáo viên THCS chuẩn hóa tăng từ 85,49% lên 88,35%; giáo viên THPT đã đạt chuẩn 100%.

Sau 10 năm (2013-2023) thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT (Nghị quyết số 29-NQ/TW), ngành GD-ĐT Gia Lai đã có những chuyển biến sâu sắc.

Ở bậc tiểu học, quy mô dạy và học 2 buổi/ngày ở các cơ sở trường đạt tỷ lệ gần 81%. Ảnh: Mộc Trà

Giáo dục mầm non đã chú trọng đến chất lượng, cải thiện một bước về phương pháp nuôi dạy trẻ đem lại hiệu quả về thể chất và các kỹ năng như nhận thức, ngôn ngữ. Công tác xã hội hóa ngành học mầm non đã có bước tiến mới và đạt được những kết quả khả quan.

Ở bậc tiểu học, quy mô dạy và học 2 buổi/ngày ở các cơ sở trường đạt tỷ lệ gần 81%. Chất lượng giáo dục phổ thông nói chung có chuyển biến tích cực; tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm bình quân trên 98%.

Công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi được quan tâm. Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu. Năm học 2022-2023, Gia Lai đạt 23 giải học sinh giỏi toàn quốc (1 giải nhất, 4 giải nhì và 11 giải ba) và có 2 học sinh được tham gia vòng thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế. Năm học 2023-2024, có 38/90 học sinh đạt giải quốc gia (trong đó có 1 giải nhất, 6 giải nhì, 17 giải ba).

Công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Hệ thống trường nội trú dân tộc và bán trú, bán trú dân nuôi được chú trọng và ưu tiên đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang-thiết bị và nhân lực.

Chất lượng giáo dục ở các trường nội trú, bán trú được duy trì và nâng cao. Mô hình bán trú dân nuôi ở huyện Phú Thiện đã đem lại kết quả tốt trong việc kết hợp giữa nhà trường và các bậc phụ huynh, tạo điều kiện cho các em học sinh dân tộc học tập chuyên cần.

Hầu hết các cơ sở trường học đều phấn đấu tạo ra môi trường học đường thân thiện, giúp các em yêu trường mến lớp; thầy cô mẫu mực, đoàn kết xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 431 trường đạt chuẩn quốc gia (56,64%). Năm học 2023-2024, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia tăng lên 63,67%.

Tính đến năm học 2024-2025, tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tựu quan trọng. Về phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi có 17/17 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn; phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn: mức độ 3 (10 huyện, thị xã, thành phố), mức độ 2 (7 huyện, thị xã, thành phố); phổ cập THCS đạt chuẩn: mức độ 3 (2 huyện), mức độ 2 (12 huyện, thị xã), mức độ 1 (3 huyện, thị xã, thành phố).

Công tác xóa mù chữ đạt chuẩn: mức độ 3 (2 huyện), mức độ 2 (15 huyện, thị xã, thành phố). Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu: mẫu giáo đạt hơn 93%; tiểu học đạt 99,9%; THCS đạt 96,5%; THPT đạt gần 59%.

-------------------------

(*) Bài viết có tham khảo một số tài liệu.

BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm