Cánh đồng chuối xuất khẩu tan hoang
Đứng trên con đê cấp 2 thôn Hữu Trung (xã Hà Thanh) nhìn xuống dòng sông Luộc, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh hoang tàn của cánh đồng chuối trĩu buồng bị gió bão quật gãy ngang thân, ngâm nước nhiều ngày. Nếu không có cơn bão số 3 tàn phá thì chỉ mấy tháng nữa, chuối của người dân Hà Thanh sẽ có mặt ở thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Nguyễn Trọng Tải (55 tuổi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hà Thanh) nhìn cánh đồng chuối trong sự tiếc nuối, thi thoảng ông lại bước xuống ruộng nhặt những chiếc lá khô như một thói quen từ trước. Bão số 3 đã lấy đi tất cả cơ nghiệp của người dân Hà Thanh, 170 héc ta chuối xuất khẩu, chuối tiêu hồng phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới đã bị cơn bão cuốn đi.
“Toàn bộ diện tích trồng chuối hữu cơ của người dân đã được ký hợp đồng với doanh nghiệp và cuối năm chuối được xuất khẩu sang các nước các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo giá hợp đồng, 1 sào chuối doanh nghiệp thu mua từ 19 đến 21 triệu đồng. Người dân phấn khởi, năm nay sẽ có cái Tết sung túc, rồi ra năm, đầu tư tiền xây nhà, mua xe... Nhưng rồi bao ước mơ, dự định không cánh mà bay. Thực sự xót xa!”, ông Tải ngậm ngùi.
Bên cạnh chuối xuất khẩu, chuối tiêu hồng cũng mang lại nguồn lợi lớn cho người nông dân. Theo ông Tải, những ngày giáp Tết, mỗi buồng chuối tiêu hồng có giá dao động từ 1 đến 1,2 triệu đồng. Lúc đó, thương lái vào tận vườn đặt hàng, trả tiền trước. Ước tính, mỗi sào chuối trồng được khoảng 60 cây, người trồng thu về khoảng 70 triệu đồng/sào.
Một số hộ trồng chuối xuất khẩu ở xã Hà Thanh cho hay, có hộ thiệt hại hàng tỷ đồng vì bao nhiêu tiền của dồn vào cây chuối. Dù cơn bão đã qua đi mấy tuần nhưng ông Nguyễn Văn Nam (45 tuổi, thôn Hữu Trung, xã Hà Thanh) cứ một mình ngồi lặng lẽ trong căn nhà nhỏ ở cuối thôn. Ông không muốn bước ra đường vì mỗi lần đứng trước 10 mẫu chuối của gia đình tan tác, ông không cầm lòng được. Ông Nam chia sẻ, thất bại này làm cho ông gần như trắng tay và ôm một món nợ lớn chưa biết đến lúc nào trả hết.
“Đến tuổi này rồi, ít nhất phải có của ăn, của để, nào ngờ phút chót trắng tay! Trồng chuối mở ra cơ hội lớn cho người nông dân thay đổi cuộc sống. Vì toàn bộ giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đều có doanh nghiệp lo. Người nông dân chỉ trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật chờ đến ngày “hái quả”, nhưng thiên tai đã tàn phá không còn gì. Cứ tưởng năm sau tôi khởi công xây ngôi nhà mới khang trang, đầu ngờ lại phải phải gánh món nợ lớn và không biết đến bao giờ mới có ngôi nhà mới cho vợ con ở”, ông Nam nói.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Thanh cho biết, hiện nay, nguồn vốn trong dân đã cạn kiệt, tất cả vốn liếng tập trung đầu tư trồng chuối và nuôi cá lồng. Người dân mong muốn ngân hàng tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để tái sản xuất. “Các ngân hàng cần nới rộng hạn ngạch cho vay tín dụng để người dân tái sản xuất. Bão lũ đã cuốn trôi tất cả tài sản của người dân. Nếu ngân hàng yêu cầu tài sản thế chấp, người dân sẽ gặp khó khăn. Bởi các tài sản có giá trị, đất đai, ruộng vườn đều cầm cố ngân hàng vay vốn đầu tư, nay không còn thứ gì để cầm cố nữa”, ông Kiên nói.
Nín thở khôi phục nghề nuôi cá lồng
Nằm bên bờ sông Luộc là dãy lồng cá bị nước lũ đánh tan tác. Người dân đang cố sửa chữa, khắc phục để bắt đầu vào giống cho vụ mới. Ông Nguyễn Trọng Tải cho biết, trên sông Luộc, xã Hà Thanh có 420 lồng cá, bão số 3 và lũ lớn đã tàn phá, cuốn trôi gần một gần 200 lồng. Có những hộ, toàn bộ lồng nuôi bị nước lũ đánh lật, gây thiệt hại hàng tỷ đồng, mất hết cơ nghiệp.
Bần thần dọn vệ sinh để chuẩn bị sửa chữa hệ thống lồng cá đã bị lũ phá hỏng hoàn toàn, ông Phạm Văn Huận, xóm Hữu Trung (xã Hà Thanh) buồn rầu kể: Khi lũ lớn kèm theo rác đổ về, 6 lồng cá của ông bị “đánh” dựng đứng. Toàn bộ hơn 10 tấn cá trôi sông hết. “Lũ về nước dâng lên nhanh, tôi ra chằng néo lồng cá khỏi bị trôi. Khi tôi đang lúi húi chằng chéo, thì bất ngờ một “núi” rác ập xuống, đánh toang toàn bộ lồng cá”, ông Huận kể.
Dù nhanh chân chạy thoát nhưng ông bị thanh sắt quật vào chân, gây ra vết thương ở đầu gối và phải khâu đến 10 mũi. “Vết thương chưa lành nhưng ngồi ở nhà không yên, hàng ngày, tôi vẫn ra dọn dẹp lồng cá, chuẩn bị gọi thợ vào sửa chữa, tiếp tục vào giống”, ông Huận nói.
Người nuôi cá lồng chia sẻ, nuôi cá đã trở thành nghề nghiệp lâu nay, dù thiệt hại lớn nhưng không bỏ được, phải tiếp tục vay vốn để tiếp tục sản xuất. “Trước đây, khi đầu tư 6 lồng cá, ngoài số vốn của gia đình, vay mượn họ hàng, tôi phải vay ngân hàng gần 1,5 tỷ đồng. Mấy tháng trước vừa tiết kiệm trả xong khoản vay của anh em, còn vốn vay ngân hàng vẫn nguyên đó. Cứ tưởng vụ cá này tôi sẽ giải quyết nốt món nợ ngân hàng cho nhẹ người, nào ngờ tai họa ập xuống”, ông Huận chia sẻ.
Theo ông Huận, “bỏ thì thương, vương thì tội”, nợ nần ông vay giờ đã lên con số vài tỷ, sắp tới tính đường vay tiếp để tái đầu tư. “Không làm tiếp thì lấy đâu ra tiền trả nợ. Chỉ mong ông trời thương, cho “mưa thuận, gió hòa” để tôi tiếp tục chăn nuôi, làm ăn có tiền trả nợ và lo cuộc sống gia đình”, ông Huận bộc bạch.
Ông Đào Minh Thiêm (thôn Hữu Trung, xã Hà Thanh) cho biết, ông cùng với một số hộ gia đình chung vốn xây dựng 30 lồng cá, nuôi 4 loại cá: lăng, trắm, chép và diêu hồng. Trong 4 loại cá, ông Thiêm nuôi số lượng lớn cá diêu hồng. Khi lũ về, hơn 10 tấn cá diêu hồng trị giá khoảng hơn 1 tỷ đồng chết sạch.
Thiệt hại cho người nuôi cá lồng trên sông Luộc có thể chưa dừng lại. Theo người dân nơi đây, sau khi lũ rút, họ lo lắng lượng nước từ các kênh của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, các vùng trũng đổ ra sông. Theo kinh nghiệm của người dân, nguồn nước này khi đổ ra sẽ làm ô nhiễm sông Luộc, gây ra tình trạng nước thiếu ô xy, làm cho cá chết hàng loạt. “Chúng tôi đang nín thở xem tình hình. Nếu nước bị ô nhiễm nặng, lượng ô xy trong nước giảm thì toàn bộ cá sẽ chết, lúc đó sẽ gây ra thiệt hại ghê gớm”, ông Thiêm lo lắng.
Theo Viết Hà - Đức Nguyễn (TPO)