Phóng sự - Ký sự

Tái thiết sau bão YAGI - Kỳ cuối: Nông nghiệp thiệt hại nặng, cần hỗ trợ khẩn cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Bộ NN&PTNT, nông nghiệp là ngành thiệt hại nặng nề nhất do bão số 3, nhiều nông dân, ngư dân xem như mất trắng tài sản và cần rất nhiều thời gian, nguồn lực mới có thể vực dậy.

Ngay lúc này cần sự đồng lòng, ủng hộ của các doanh nghiệp (DN), cộng đồng để khôi phục sản xuất càng sớm, càng tốt; không để gián đoạn nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm và ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Nông, ngư dân mất trắng hàng nghìn tỷ đồng

Thống kê sơ bộ mới nhất của các địa phương đến thời điểm hiện tại, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đối với sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc hết sức nặng nề. Theo đó, có khoảng hơn 22.800 con gia súc; 3 triệu con gia cầm bị chết, cùng với nhiều máy móc trang thiết bị hư hỏng do ngập nước... Ước tính tổng thiệt hại cho ngành chăn nuôi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Người dân nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh mất trắng cả nghìn tỷ đồng
Người dân nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh mất trắng cả nghìn tỷ đồng

Đối với nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích bị vỡ bờ bao, ngập lụt hại khoảng 23.600 ha; số lồng bè bị thiệt hại khoảng 4.592 ô lồng... Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão khoảng hơn 2.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngành trồng trọt bị thiệt hại nặng nề nhất khi có tới gần 200 nghìn ha lúa; gần 50.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, gần 32.000 ha cây ăn quả bị hư hại. Hiện các địa phương vẫn chưa thống kê và đánh giá hết, song với con số thiệt hại này đã tác động trực tiếp đến người nông dân khiến nhiều hộ kiệt quệ, khó vực dậy.

Theo ước tính, bão số 3 khiến ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của cả nước có thể giảm tăng trưởng khoảng 0,33% so với kịch bản của năm.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho hay, ngành chăn nuôi thời gian qua liên tục trải qua khó khăn này đến khó khăn khác. Người chăn nuôi chưa kịp hoàn hồn do ảnh hưởng dịch bệnh đến “bão giá”, nay tiếp tục mất tài sản và sinh kế do ảnh hưởng của thiên tai.

Trước những khó khăn hiện nay, qua khảo sát ở các địa phương, người dân đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ đền bù thiệt hại theo chính sách của Nhà nước; xem xét hỗ trợ vốn đầu tư, giãn nợ, giảm lãi suất…; hỗ trợ hóa chất tiêu độc khử trùng; hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc xin phòng bệnh để tái đàn…

Về lĩnh vực thủy sản, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho biết, bão số 3 đã làm tan hoang cả ngành nuôi biển – vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh và các tỉnh ven biển, cũng như động lực của ngành thủy sản cả nước. Rất nhiều hộ mất trắng, có hộ thiệt hại chục tỷ đồng đến trăm tỷ đồng.

Theo ông Luân, đến nay, ngành thủy sản đã huy động 85 tỷ đồng từ các DN để hỗ trợ người dân các tỉnh phía Bắc khôi phục nuôi trồng thủy sản, trong đó ưu tiên hỗ trợ giống, thức ăn, chế phẩm xử lí môi trường, thiết bị lồng nuôi...

“Ngoài hỗ trợ vật chất, vật tư, ngành thủy sản cũng mong các DN chia sẻ kinh nghiệm khắc phục thiệt hại với bà con để từ nay tới cuối năm có sản phẩm thu hoạch, phục vụ thị trường. Chúng tôi cũng mong muốn có chính sách hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với DN, hợp tác xã, hộ gia đình và đặc biệt phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản bền vững hơn", ông Luân nói.

Hỗ trợ càng sớm càng tốt

Nhiệm vụ khôi phục sản xuất sau bão số 3 đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tại Hội nghị về kêu gọi hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 21/9, dù vào cuối tuần nhưng rất nhiều DN trong ngành nông nghiệp đăng ký tham gia để đồng hành, hỗ trợ cùng người dân. Tính đến nay, ngành nông nghiệp nhận được gần 170 tỷ đồng từ các DN ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống, chất xử lý cải tạo môi trường… nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ.

Người dân cần sự hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước và cộng đồng để vực dậy sau sản xuất
Người dân cần sự hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước và cộng đồng để vực dậy sau sản xuất

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, bà con nuôi biển hiện nay gần như trắng tay sau bão số 3, nhất là các hộ nuôi thuỷ sản ở Vân Đồn (Quảng Ninh), phải làm lại từ đầu. Do đó, đây cũng là dịp Bộ NN&PTNT và địa phương tính toán giao mặt biển cho ngư dân lâu dài giúp bà con yên tâm đầu tư làm ăn bài bản, áp dụng công nghệ cao để tránh thiệt hại như vừa qua.

"Theo khảo sát của chúng tôi, các lồng nuôi bằng vật liệu mới (nhựa HDPE) thiệt hại không đáng kể, trong khi lồng tre, lồng gỗ bị mất tới gần 90%. Đây là lúc chúng ta xây dựng lại vùng nuôi trồng thuỷ sản bài bản hơn", ông Dũng nói và cho biết, Hiệp hội đã huy động hỗ trợ được gần 249 triệu đồng và số tiền này đã chuyển thẳng vào tài khoản của các DN, hợp tác xã ở Quảng Ninh bị thiệt hại.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm nay, ngành nông nghiệp dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt từ 54-55 tỷ USD, đến hết tháng 8 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản đã đạt trên 40 tỷ USD, trong đó xuất siêu 11,8 tỷ USD. Thế nhưng thiệt hại do bão số 3 gây ra cho ngành vô cùng khốc liệt.

Để khôi phục sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chuẩn bị ban hành một nghị định mới về các chính sách hỗ trợ. Bộ đang phối hợp với các đơn vị xây dựng và đề xuất các giải pháp như hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.

Trước lo ngại thiệt hại sẽ gây gián đoạn nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng khi các chính sách của Nhà nước được triển khai cùng với sự hỗ trợ của DN, hiệp hội ngành hàng về con giống, thức ăn, vật tư... chăn nuôi, thủy sản hi vọng sớm phục hồi để đảm bảo nguồn cung trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.

Đối với rau màu và nhóm cây ngắn ngày thì có thể khẩn trương hỗ trợ người dân vốn, giống, để khôi phục sản xuất, chỉ khoảng 20-25 ngày là có thu hoạch. Song với cây ăn trái, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản thì cần thời gian để khắc phục, bởi có những nơi bị xoá sổ hết rồi nên lúc này càng hỗ trợ sớm càng tốt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt cho biết, đến nay các địa phương vẫn đang “cứu” những diện tích hoa màu có thể khôi phục được nên thiệt hại vẫn chưa đánh giá hết. Song ngành trồng trọt là ngành thiệt hại nặng nhất do bão số 3. Trước mắt để khôi phục các vùng rau phía Bắc, ông Cường cho hay cần hơn 110 tấn giống nhưng kho dự trữ quốc gia chỉ còn 0,25 tấn. Giống ngô cần hơn 1.000 tấn trong khi lượng dự trữ chỉ có 275 tấn.

“Hiện, Cục đã có văn bản gửi các Hội, hiệp hội, DN sản xuất kinh doanh giống cây trồng và các cơ sở giáo dục có sản xuất giống về việc tăng cường nguồn giống cây trồng nông nghiệp phục vụ sản xuất các tỉnh phía Bắc. Lúc này rất cần sự hỗ trợ, chung tay sớm của cộng đồng DN để đảm bảo cung cấp cho thị trường, có nguồn thu để góp phần ổn định đời sống của nhân dân".

Theo Dương Hưng (TPO)

Có thể bạn quan tâm