Phóng sự - Ký sự

Làng Việt Nam: Nhà văn Nguyễn Chí Trung và Bức thư làng Mực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có một làng ở miền núi Quảng Nam mang tên là làng Mực. Khác với tất cả các loại mực, làng Mực này không đen, mà chói sáng.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã viết truyện ngắn nổi tiếng Bức thư làng Mực năm 1969, kể chuyện vì sao cái làng bà con dân tộc ở Quảng Nam này chói sáng:

"Tiếng hú vang mãi như muốn nhờ cành cây, ngọn gió, nhờ con chim băng qua núi Giàng vượt qua dòng A Vương trả lời cái bức thư làng Mực vừa gửi đi tất cả mọi nơi".

Sông A Vương là phụ lưu sông Bung, một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua địa phận Quảng Nam.

Sông A Vương được nhắc nhiều lần trong tác phẩm Bức thư làng Mực
Sông A Vương được nhắc nhiều lần trong tác phẩm Bức thư làng Mực

Ấy là khi làng Mực, cử một trai làng biết chữ, lấy bút chấm vào "mực" là ý chí, là lòng dũng cảm của dân làng, viết bức thư tâm huyết gửi tất cả các làng, kể về một câu chuyện:

"Ngày 25 tháng 5 năm 1962, làng Mực hạ được một chiếc máy bay Mỹ. Máy bay khu trục, do Nhật, du kích làng Mực bắn. Một phát thôi. Bằng súng trường.

Các làng nói: làng Mực bắn được máy bay mà không phấn khởi.

Bữa trước dân làng Mực có sợ thật. Dân làng Mực đã họp đại hội. Dân làng Mực báo tin cho các làng biết là: Bữa nay, dân làng Mực không sợ nữa".

"Không sợ nữa!" là thông điệp của dân làng Mực gửi tới tất cả các làng. Ban đầu, bắn rớt máy bay địch, đáng lẽ phải vui mừng, nhưng dân làng Mực lại… sợ. Đơn giản, vì sợ địch trả thù. "Bữa nay, dân làng Mực không sợ nữa".

Lời lẽ bức thư cứ mộc mạc nhẹ nhàng, nhưng trong những năm kháng chiến chống xâm lược, bức thư ấy là thông điệp làng Mực gửi tới tất cả các làng trong cả nước: Không việc gì phải sợ kẻ xâm lược. Cứ đánh được nó, thì nó phải sợ mình.

Nguyễn Chí Trung là nhà văn kiêm người lính đã lăn lộn qua rất nhiều địa bàn miền Trung trong kháng chiến. Bức thư làng Mực được ông viết trên rừng chiến khu Quảng Nam vào năm 1969.

Ngay khi truyện ngắn này được "từ miền Nam gửi ra" Hà Nội và được đăng trên Báo Văn nghệ, được đọc trên Đài tiếng Nói Việt Nam, vào đúng thời điểm cuộc kháng chiến chống xâm lược ở vào giai đoạn gay go căng thẳng nhất, Bức thư làng Mực đã thành một bức thư, một thông điệp từ chiến trường miền Nam gửi ra miền Bắc, khẳng định tất cả các làng ở miền Nam, không phân biệt làng ở miền núi hay miền xuôi, đều không sợ địch, đều biết cách đánh thắng địch, cụ thể là biết dùng súng trường bắn rớt máy bay địch.

Trong truyện ngắn Bức thư làng Mực, từ khi làng Mực bắn rớt máy bay địch, tới khi các làng khác ở miền núi Quảng Nam cũng học tập làng Mực bắn hạ máy bay, thì tên làng gắn liền với chiến công, với lòng quả cảm Việt Nam.

Mỗi chúng ta đều có làng quê của mình, và đều có, không ít thì nhiều, niềm tự hào về làng mình. Người dân làng Mực cũng vậy. Nhưng họ, qua truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Chí Trung, còn muốn lan tỏa niềm tự hào về ngôi làng mình tới tất cả những ngôi làng khác, cùng muốn rủ rê những làng khác thi đua bắn rớt máy bay địch như làng Mực của mình.

Sông A Vương gắn với nhiều ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam
Sông A Vương gắn với nhiều ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Chí Trung viết ít tác phẩm, vì ông mải lo chiến đấu, hết chiến trường Việt Nam lại sang chiến trường Campuchia, hết Mỹ tới Tàu, rồi tới Pol Pot. Viết ít, nhưng chỉ cần một Bức thư làng Mực, Nguyễn Chí Trung đã ghi dấu ấn văn học của mình. Và thật thú vị, truyện ngắn ấy viết về một ngôi làng Việt Nam, nối tiếp truyện ngắn Làng rất nổi tiếng từ thời chống Pháp của nhà văn Kim Lân.

Nối tiếp niềm tự hào về làng Việt.

Với nhà văn, thì viết hay quan trọng hơn viết nhiều. Sau hòa bình hai mươi năm, Nguyễn Chí Trung mới viết tiểu thuyết Tiếng khóc của Nàng Út, tác phẩm đã mang về cho ông "Giải thưởng Nhà nước".

Với nhà văn Nguyễn Chí Trung, tôi có nhiều kỷ niệm vui và đẹp khi là lính của ông ở Trại sáng tác Quân khu 5, từ đầu năm 1976 tới cuối năm 1979. Không có một nhà văn - thủ trưởng như ông Trung, tôi khó lòng viết được nhiều trường ca và thơ ngắn về chiến tranh như đã có. Một nhà văn không chỉ biết lo cho tác phẩm của mình, mà còn lo cho tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ khác trong Trại sáng tác Quân khu 5, góp phần hết sức quan trọng tạo nên một đội ngũ những nhà văn viết về chiến tranh và thời hậu chiến thực sự có tầm vóc.

Thì viết văn hay làm thơ cũng cần và giống như dân làng Mực bắn máy bay địch ấy mà. Nhà văn - người lính Nguyễn Chí Trung đã nghĩ như vậy, đã làm như vậy, như chính những nhân vật của ông đã nghĩ và đã làm.

Tôi, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh… đã bước ra văn đàn từ "ống tay áo quân phục" của nhà văn Nguyễn Chí Trung, từ Bức thư làng Mực hết sức chói sáng của ông.

Nay thì ông Nguyễn Chí Trung đã vĩnh biệt đồng đội, vĩnh biệt đàn em, nhưng mỗi khi đọc lại Bức thư làng Mực lại bồi hồi nhớ ông.

Làng Mực, một ngôi làng bình dị ở miền núi Việt Nam, qua ngòi bút Nguyễn Chí Trung, đã và sẽ còn chói sáng lâu dài.

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm