Đã có thời người ta lẫn lộn đánh đồng giữa trình độ (học vấn) với kỹ năng nghĩa là một người có trình độ học vấn được xác nhận bởi văn bằng đi theo kèm và có kỹ năng - khả năng để thực hiện tốt nhiệm vụ trong một việc làm hoặc trong một nghề…
Nhưng thực tế lại cho thấy có trình độ đôi khi có kỹ năng nhưng nhiều trường hợp người có trình độ học nghề, ĐH hay sau ĐH lại thiếu kỹ năng để có thể được tuyển dụng và có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại nơi làm việc. Tình trạng lao động trẻ tại Việt Nam bị các chuyên gia, nhà tuyển dụng đánh giá thiếu nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số và kỹ năng mềm, là minh chứng rõ nét cho thực tế này.
Điều đó cho thấy sự khiếm khuyết trong đào tạo và đánh giá còn mang nặng về lý luận nhưng thiếu về khả năng thực hành.
Nhìn một cách tổng thể người lao động Việt Nam thiếu hụt nhiều kỹ năng. Ngay những kỹ năng cơ bản cũng hạn chế khiến cho cơ hội việc làm ở nhiều người rất hiếm. Ví dụ kỹ năng học tập chủ động (active learning), cho phép bạn nhìn vào thông tin mới và quyết định làm gì với thông tin ấy. Điều đó giúp bạn sử dụng thông tin cho hiện tại và trong tương lai. Kỹ năng nghe tích cực giúp bạn nghe một cách chủ động, cho người nói thấy sự chú ý của bạn. Bạn chắc chắn hiểu được điều mà người ta muốn nói với bạn...
Tư duy logic và lập luận cũng là một kỹ năng mà người lao động còn thiếu. Có kỹ năng này bạn sẽ tạo ra những giải pháp, kết luận hoặc cách thức mới để thực hiện điều gì đó hoặc để giải quyết vấn đề. Đây là kỹ năng quan trọng giúp cho bạn thành công trong xã hội cũng như trong việc làm. Ngoài ra những kỹ năng khác như kỹ năng thông tin (biết cách tìm thông tin, đọc hiểu, phân tích, tổng hợp, truy xuất thông tin), kỹ năng văn hóa để biết sống làm việc hài hòa trong môi trường đa văn hóa…
Đặc biệt, trong thời buổi của cách mạng công nghệ số, có kỹ năng số (sử dụng thiết bị số, thông tin liên lạc, luật An ninh mạng), kỹ năng giao tiếp cả tiếng Việt và ngoại ngữ (tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn) sẽ là lợi thế vô cùng lớn. Để có những kỹ năng thiết yếu, điều quan trọng là học vấn nền tảng phổ thông cần phải nắm vững. Các cơ sở đào tạo cả ĐH và giáo dục nghề nghiệp muốn cải thiện kỹ năng cho người lao động không có cách nào khác phải hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo, cho phép người học trải nghiệm thực tế thì mới có thể hình thành kỹ năng.
Nếu người giáo viên chỉ thao thao bất tuyệt với dạy lý thuyết thì chẳng bao giờ kỹ năng nghề được hình thành hiệu quả. Muốn vậy, ngoài việc năng nổ hợp tác với doanh nghiệp thì bản thân đội ngũ giáo viên phải có kỹ năng và liên tục nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp. Nên nhớ, dạy để cho người học hình thành được kỹ năng khó hơn nhiều lần việc học lý thuyết để trả bài cho thầy. Muốn vậy, thầy phải giỏi kỹ năng thì người học mới có thể thành tài. Một ông thợ vụng sẽ chẳng bao giờ đào tạo được thợ khéo cả. Chính vì thế, không hề nói phóng đại khi khẳng định thầy cô đóng vai trò then chốt để cải thiện kỹ năng người lao động tương lai.
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (TNO)