Với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Sáng 28.12, tại TP.Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển (1471 - 2021)”, với sự tham gia của hơn 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học...
Có 9 tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo. Các bài tham luận tập trung vào những nội dung chính như lịch sử - khảo cổ, dân tộc - tôn giáo, văn hóa - ngôn ngữ, kinh tế - xã hội. Đây là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học nhận diện, đánh giá, khẳng định vị trí, vai trò cùng những đóng góp to lớn của vùng đất và con người Quảng Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước trong tiến trình lịch sử 550 năm qua.
Hô hát bài chòi, nét văn hóa đặc trưng của người dân Quảng Nam. Ảnh: Mạnh Cường |
Sứ mệnh thiêng liêng
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết cách đây tròn 550 năm, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, đơn vị hành chính thứ 13 của nước Đại Việt và danh xưng Quảng Nam ra đời từ đấy. Với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong sâu thẳm, mỗi người dân đất Quảng luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Quảng Nam tươi đẹp. “Đây cũng là mốc thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét hệ giá trị của vùng đất, con người Quảng Nam; về vai trò, vị trí, những đóng góp của Quảng Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc trên tất cả các lĩnh vực để tạo tiền đề quan trọng nhằm xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, ông Thanh nói.
Tên gọi Quảng Nam khi đó đã hàm chứa tầm nhìn sâu rộng của vị hoàng đế Đại Việt (vua Lê Thánh Tông) với khát khao mở rộng đất đai về phương Nam. Chính vì vậy, việc nhận diện các giá trị, di sản, nguồn lực, bản sắc của vùng đất này hết sức quan trọng, để từ đó đánh giá thế mạnh, cơ hội, vị trí, vai trò cũng như chỉ ra những rào cản, điểm nghẽn cần phải khơi thông. PGS-TS Bùi Nhật Quang |
Theo GS-TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, có thể thấy quá trình xác lập vùng đất Quảng Nam trở thành một bộ phận lãnh thổ Đại Việt được các triều đại quân chủ Việt Nam tiến hành trải qua một quá trình lâu dài, và có thời kỳ “tiến - lui”, trải qua gần 1 thế kỷ. Vùng đất này giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hành trình Nam tiến của các triều đại quân chủ Việt Nam, bởi vị trí địa lý mang yếu tố chính trị, quân sự quan trọng.
“Sự dồn nén của lịch sử”
GS sử học Lê Văn Lan cho rằng chữ “Quảng” và chữ “Nam” ra đời từ năm 1471, nhưng nó không chỉ là kết tinh của thời gian 550 năm mà còn xa hơn, của ngàn năm, vạn năm của nước Việt. “Tất cả những gì đã gói lại trong chữ “xứ” như thế, gắn liền với chữ “Quảng” của Quảng Nam là trữ lượng của sự dồn nén của lịch sử, sự kết tinh của những phẩm chất đẹp đẽ, tinh hoa mà phải vượt qua vô vàn khó khăn mới có được như thế”, nhà sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh. Khẳng định Quảng Nam có một vị thế rất đặc biệt, GS sử học Lê Văn Lan đánh giá khát vọng Quảng Nam là khát vọng cao quý, đẹp đẽ và nhất quyết phải được thực hiện với ý chí, quyết tâm thật cao của người Quảng Nam, của người Việt Nam.
PGS-TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cũng nhìn nhận con người và mảnh đất Quảng Nam ghi dấu ấn sâu sắc trong các trang sử Việt. Tên gọi Quảng Nam khi đó đã hàm chứa tầm nhìn sâu rộng của vị hoàng đế Đại Việt (vua Lê Thánh Tông) với khát khao mở rộng đất đai về phương Nam. Chính vì vậy, việc nhận diện các giá trị, di sản, nguồn lực, bản sắc của vùng đất này hết sức quan trọng, để từ đó đánh giá thế mạnh, cơ hội, vị trí, vai trò cũng như chỉ ra những rào cản, điểm nghẽn cần phải khơi thông. Trong quá khứ, việc hình thành đất Quảng Nam đã tạo ra một cánh cửa phát triển rất lớn cho quốc gia Đại Việt. Hiện tại, Quảng Nam cần quan tâm đến việc quản lý bờ biển, đường bờ biển “cao hơn, xa hơn, gần hơn, sâu hơn”. “Hội thảo lần này chưa thể trình bày đầy đủ toàn bộ lịch sử 550 năm hình thành, phát triển mà như dòng suối nhỏ góp thêm vào dòng chảy của lịch sử Quảng Nam, như con suối góp phần tôn vinh vẻ đẹp và sự mạnh mẽ tràn đầy sinh lực của dòng sông Thu Bồn”, PGS-TS Bùi Nhật Quang nói.
Tối 28.12, tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021). Tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND tối cao; ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư; ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội, cùng nhiều lãnh đạo của các ban, ngành T.Ư. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định sự kiện hôm nay không chỉ có ý nghĩa với Quảng Nam mà cả khu vực miền Trung. “Quảng Nam”, mở rộng về phương Nam, tên gọi đầy ý nghĩa thể hiện tầm nhìn sâu rộng về non sông đất nước của ta cũng như khát vọng dân tộc hùng cường… “Quảng Nam còn là cái nôi của chữ Quốc ngữ và đi đầu trong công cuộc toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Tỉnh Quảng Nam ngày nay được vinh dự kế thừa danh xưng đã từng làm rạng rỡ dân tộc trên tiến trình mở cõi. Hiếm có vùng đất nào với hơn 10.000 km2 có đến 2 di sản thế giới độc đáo, huyền bí đó là Hội An và thánh địa Mỹ Sơn; càng không có nhiều nơi trên thế giới có mật độ dày đặc các vịnh, biển, cù lao, khu dự trữ…”, Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho rằng tính hội tụ đặc biệt đó đã có một sức hấp dẫn mạnh mẽ, dung nạp những con người và tinh hoa văn hóa bốn phương để tạo nên di sản quý báu, làm nên một xứ Đàng Trong phồn vinh, rực rỡ trên bến dưới thuyền… Lễ kỷ niệm tiếp diễn với chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Âm vang Quảng Nam”, gồm 3 phần: Hành trình phương Nam, Hào khí đất Quảng, Khát vọng Quảng Nam. |
Theo MẠNH CƯỜNG (TNO)