Thời sự - Sự kiện

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: “Vợ nhặt” vào đề thi Ngữ văn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Kết thúc buổi thi Ngữ văn sáng 28-6, hầu hết sĩ tử Gia Lai rời khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi, thoải mái. Với việc phân tích tốt đoạn trích trong tác phẩm “Vợ nhặt” (nhà văn Kim Lân) và tự tin giải quyết các câu nghị luận xã hội được đánh giá là “khó nhưng hay”, nhiều thí sinh cho biết có thể đạt số điểm khá ở môn thi đầu tiên này.

Các sĩ tử phấn khởi sau khi kết thúc môn Ngữ văn vào sáng 28-6. Ảnh: Đức Thụy
Các sĩ tử phấn khởi sau khi kết thúc môn Ngữ văn vào sáng 28-6. Ảnh: Đức Thụy

Đề thi có yếu tố bất ngờ

Sau 120 phút trải qua môn tự luận duy nhất của kỳ thi, các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái. Theo chia sẻ của các sĩ tử, đề thi Ngữ văn năm nay không quá khó, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản sẽ đạt điểm khá. Tuy nhiên, muốn lấy được điểm cao thì thí sinh phải có tư duy, giàu kiến thức thực tế. Thí sinh Mai Thị Phương chia sẻ: “Em rất thích câu hỏi về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Đây là vấn đề mà tuổi trẻ cần phải suy ngẫm”.

Thí sinh Mai Thị Phương (thứ 2 từ phải sang) trao đổi về đề thi Ngữ Văn với các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ). Ảnh: Phan Lài
Thí sinh Mai Thị Phương (thứ 2 từ phải sang) trao đổi về đề thi Ngữ Văn với các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ). Ảnh: Phan Lài

Thí sinh Phan Thị Mỹ Duyên (điểm thi Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) cũng cho rằng đề thi khá hay. Theo Duyên, sự cân bằng cảm xúc trong cuộc sống là điều cần thiết để con người có thể sống lạc quan và tích cực hơn. Vì vậy, em đã dễ dàng vận dụng từ thực tế bản thân và những trường hợp “mắt thấy tai nghe” trong thực tiễn để làm câu nghị luận xã hội. “Riêng phần nghị luận văn học, mặc dù trong quá trình ôn tập, em không chú trọng nhiều vào đoạn văn của tác phẩm “Vợ nhặt” mà đề thi trích dẫn, song với vốn kiến thức Ngữ văn của mình, em vẫn hoàn thành khá tốt bài thi”.

Thí sinh Phạm Thị Mỹ Duyên (bìa trái; điểm thi Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) khá tự tin về bài thi Ngữ văn của mình. Ảnh: Mộc Trà
Thí sinh Phạm Thị Mỹ Duyên (bìa trái; điểm thi Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) khá tự tin về bài thi Ngữ văn của mình. Ảnh: Mộc Trà

Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh), đa số thí sinh nhận định đề thi Ngữ văn năm nay khá bất ngờ bởi đoạn văn được trích dẫn trong đề của tác phẩm “Vợ nhặt” là phần ít được chú ý đến. Tuy nhiên, thí sinh Trần Quang Tuấn (lớp 12A6, Trường THPT Nguyễn Thái Học) chia sẻ: “Các tác phẩm của đề thi nằm trong kế hoạch ôn tập học kỳ II của trường nên em học đi học lại khá kỹ. Vậy nên, buổi sáng hôm nay em làm bài tương đối ổn”.

Đa số thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh) nhận định đề thi Ngữ văn năm nay khá bất ngờ. Ảnh: Ngọc Sang
Đa số thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh) nhận định đề thi Ngữ văn năm nay khá bất ngờ. Ảnh: Ngọc Sang

Trong khi đó, em Huỳnh Trà Bảo Ni (điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) khá tâm đắc với câu 4 của phần đọc hiểu với yêu cầu “Từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ “Ai cũng đi qua cơn giông riêng của đời mình”, anh/chị hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân”, được đánh giá hơi khó nhưng hay. “Câu này tùy thuộc vào trải nghiệm của mỗi thí sinh, những ai có trải nghiệm sâu sắc sẽ giải quyết tốt. Em thì cho rằng mỗi người muốn thành công đều phải tự trải qua cơn giông riêng của đời mình, qua đó khẳng định giá trị của bản thân”.

Các tình nguyện viên tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) động viên tinh thần sĩ tử sau buổi thi môn Ngữ văn. Ảnh: Lam Nguyên
Các tình nguyện viên tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) động viên tinh thần sĩ tử sau buổi thi môn Ngữ văn. Ảnh: Lam Nguyên

Trao đổi với P.V, thầy Đặng Văn Du-nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Pleiku-nhận định: Nhìn chung, với đề Ngữ văn năm nay, học sinh nếu chuẩn bị kỹ về kiến thức và tâm thế thì sẽ làm bài tốt. Câu 4 phần đọc hiểu có độ khó nhất định để phân hóa học sinh. Thầy Du cũng cho rằng câu nghị luận xã hội không gắn với ngữ liệu đọc hiểu lắm nhưng đó là một câu hỏi hay, không dễ với học sinh trung bình yếu. Câu nghị luận văn học có yếu tố hơi bất ngờ do đoạn văn đó ít được thầy-cô giáo luyện tập, nhưng học sinh vẫn có thể làm được bài theo đúng tinh thần của đáp án.

Thầy Du nêu quan điểm: “Năm ngoái điểm trung bình môn Ngữ văn của học sinh là 6,5. Năm nay, theo đánh giá của cá nhân tôi, mức điểm này sẽ thấp hơn nhưng không dưới điểm trung bình”.

Tự tin đạt điểm khá

Rời phòng thi với gương mặt rạng rỡ, thí sinh Ngô Thiên Bảo (điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tông, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Đề thi không quá dài nên em làm vừa đủ thời gian. Năm nay nhiều bạn của em ôn tập trung vào 3 tác phẩm: Người lái đò sông Đà, Đất nước, Vợ chồng A Phủ nhưng em không ôn tủ nên không quá bất ngờ với đề thi. Môn Ngữ văn cũng là một trong những môn thế mạnh của em nên em nghĩ bài thi được trên 7 điểm”.

Em Ngô Thiên Bảo (bìa trái; Trường THPT Lê Thánh Tông, thị xã Ayun Pa) phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn. Ảnh: Vũ Chi
Em Ngô Thiên Bảo (bìa trái; Trường THPT Lê Thánh Tông, thị xã Ayun Pa) phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn. Ảnh: Vũ Chi

Dù bị tai nạn gãy chân hơn 1 tháng song ngay từ sáng sớm, em Đặng Quốc Hiệu-lớp 12A5, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) đã được mẹ đưa đến điểm thi. Sau buổi thi, Hiệu tự tin nói: “Với môn Ngữ văn, em nghĩ mình đạt trên điểm trung bình. Nhờ thầy-cô giáo và bạn bè giúp đỡ thường xuyên nên mặc dù bị chấn thương, em vẫn có thể bước vào kỳ thi với tâm thế tốt nhất”.

Em Đặng Quốc Hiệu (điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Ia Grai) được bạn bè hỗ trợ tham gia kỳ thi. Ảnh: Nguyễn Diệp
Em Đặng Quốc Hiệu (điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Ia Grai) được bạn bè hỗ trợ tham gia kỳ thi. Ảnh: Nguyễn Diệp

Tuy nhiên, nhiều thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên lại cho rằng, để vượt qua bài thi môn Ngữ văn là một nỗ lực lớn. “Hôm thi thử môn, tôi được 4,5 điểm Ngữ văn. Đề thi chính thức sáng nay tương đối khó, trong đó, câu 2 phần làm văn là khó nhất. Tôi đã cố gắng làm hết tất cả câu hỏi của đề trong khả năng của mình, hy vọng không rơi vào điểm liệt”-thí sinh Đinh Dĩp (SN 1978, học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kbang) tâm sự.

Nhiều thí sinh điểm thi Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Kbang, huyện Kbang) cho rằng đề thi Ngữ văn có sự phân hóa cao. Ảnh: Ngọc Minh
Nhiều thí sinh điểm thi Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Kbang, huyện Kbang) cho rằng đề thi Ngữ văn có sự phân hóa cao. Ảnh: Ngọc Minh

Còn em Puih Tương (điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) vui vẻ cho hay: “Trước khi vào thi em rất hồi hộp. Em nghĩ đề thi môn Ngữ văn không khó với những bạn chịu khó ôn bài. Riêng em tự tin đạt từ 6 đến 6,5 điểm”.

Chiều 28-6, thí sinh sẽ tham gia môn thi thứ 2 là môn Toán (thời gian làm bài 90 phút). Nhóm phóng viên sẽ tiếp tục thông tin kịp thời đến độc giả về tình hình kỳ thi.

Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo trong buổi thi môn Ngữ văn, toàn tỉnh vắng 54 thí sinh. Môn thi đầu tiên diễn ra bình thường, không có trường hợp thí sinh nào vi phạm quy chế thi.

Sở Y tế cũng thông tin: Trong sáng 28-6, tình hình tại 41 điểm thi trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, trong ngày không phát hiện trường hợp F0 tại các điểm thi. Một số giáo viên coi thi, thí sinh mắc các bệnh thông thường như: đau đầu, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày… đã được xử lý ổn định.

Trong buổi thi đầu tiên, tại 41 điểm thi trên địa bàn tỉnh Gia Lai không có thí sinh vi phạm quy chế thi. Ảnh: Đức Thụy

Trong buổi thi đầu tiên, tại 41 điểm thi trên địa bàn tỉnh Gia Lai không có thí sinh vi phạm quy chế thi. Ảnh: Đức Thụy

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm