Thời sự - Sự kiện

Ký ức Tết Độc lập của những người lính Cụ Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với người lính Cụ Hồ, ký ức về những ngày đón Tết Độc lập cùng đồng chí, đồng đội giữa chiến trường đạn bom khốc liệt vẫn còn vẹn nguyên, chứa đựng bao quyết tâm, khát vọng về một ngày đất nước toàn thắng, yên bình.

Trung tướng Nguyễn Thành Út. Ảnh: Đ.Y

Trung tướng Nguyễn Thành Út. Ảnh: Đ.Y

1. Trung tướng Nguyễn Thành Út-nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 (74 Trường Sơn, phường Yên Thế, TP. Pleiku) tình nguyện nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ khi vừa tròn 18 tuổi. Trải qua bao trận chiến, ông càng hiểu hơn giá trị của hòa bình, độc lập. Giờ đây, dù đã bước sang tuổi 81 nhưng ký ức về Ngày Tết Độc lập thời quân ngũ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm vị tướng này.

Ông Út hồi tưởng: Tôi nhớ, cứ gần đến ngày Quốc khánh (2-9), các đơn vị bộ đội đều thi đua lập thành tích chào mừng. Ở chiến trường thì tổ chức các đợt tấn công, chiến đấu với quân thù; còn các đơn vị hậu cần thì phát động phong trào thi đua “3 sẵn sàng, 3 chiến đấu”. Tại đơn vị của tôi, nhiều phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, trong đó có phong trào “Mỗi chiến sĩ là một pháo đài, miền Nam giảm bớt một ngày đau thương”. Nhiều năm, ngày 2-9 phải sơ tán trong rừng nhưng các đơn vị vẫn tổ chức tọa đàm, ôn lại truyền thống và thể hiện ý chí qua khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ cứu nước”.

“Năm 1963 cũng là năm tôi 21 tuổi. Tôi đặt mục tiêu phấn đấu rèn luyện để được kết nạp vào Đảng đúng ngày 2-9. Tuy nhiên, thời gian ấy, đơn vị đang dồn sức chiến đấu. Đến ngày 4-10-1963, tôi mới được đơn vị làm lễ kết nạp vào Đảng. Đứng dưới lá cờ Đảng, tôi tuyên thệ hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc”-Trung tướng Nguyễn Thành Út chia sẻ.

Với ông Út, ngày 2-9-1975 là Tết Độc lập đáng nhớ nhất bởi 2 miền Nam-Bắc đã sum họp một nhà, niềm vui được trọn vẹn. Trung tướng Nguyễn Thành Út hồi nhớ: “Để mừng ngày hội lớn, đơn vị tôi tổ chức tọa đàm, thi làm báo tường, chơi các trò chơi như: hái hoa dân chủ, lội ao bịt mắt bắt vịt, đốt lửa trại. Chúng tôi chạy quanh đống lửa, hò hét vang trời, tận hưởng niềm vui ngày đất nước độc lập, thống nhất trong vòng tay đồng đội. Đến bây giờ khi nhớ lại, tôi vẫn thấy lâng lâng”.

Thương binh Rơ Mah Thanh. Ảnh: Đ.Y

Thương binh Rơ Mah Thanh. Ảnh: Đ.Y

2. Là người trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi lần nhắc đến Tết Độc lập, ký ức lại trỗi dậy trong trái tim thương binh Rơ Mah Thanh (75 tuổi, làng D, xã Gào, TP. Pleiku). Năm 12 tuổi, với vai trò là giao liên nằm vùng, ông Thanh được phân công nhiệm vụ bám nắm tình hình địch. Ông kể: “Lần đầu tiên trong đời, đúng 8 giờ sáng 2-9-1960, tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ chỉnh đốn trang phục, đứng nghiêm trang dưới lá cờ Đảng, nghe lại lời Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua radio. Nghe bản Tuyên ngôn độc lập trong thời khắc ấy, tôi và mọi người vô cùng tự hào, cùng nhau hô to: Đất nước mình nhất định có ngày độc lập, tự do”.

Tháng 9-1967, ông Thanh tham gia hoạt động bí mật tại xã Gào. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ tại Ban An ninh Khu 9, hoạt động diệt ác, phá kìm, tuyên truyền người dân vững tin theo cách mạng. Năm 1968, chiến tranh ngày càng ác liệt, ông Thanh được giao phụ trách bảo vệ mật mã. Trong một lần bị địch cắt đứt liên lạc, ông nhận nhiệm vụ kết nối đường dây liên lạc từ xã Kon Gang (huyện Đak Đoa bây giờ) qua An Phú về xã Gào. Tuy nhiên, cung đường từ Kon Gang về xã Gào phải đi qua vùng địch chiếm đóng. Vừa đi ông vừa tìm cách tránh địch để đảm bảo bí mật, đưa thư tín từ tỉnh về căn cứ an toàn. Vì vậy, phải mất 2 ngày đêm, ông Thanh mới hoàn thành nhiệm vụ. Khi về đến căn cứ xã Gào, đồng đội của ông hết sức vui mừng vì tình hình lúc đó rất nguy hiểm, liên lạc bị cắt đứt một thời gian giờ đã được nối lại.

Sau ngày giải phóng, ông Thanh công tác tại Công an thị xã Pleiku. Từ năm 1976 đến năm 1990, ông được điều động tham gia truy quét FULRO. Sau đó, ông trở về địa phương và được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Gào. Hai nhiệm kỳ là người đứng đầu xã, ông Thanh luôn làm việc có kế hoạch, có nguyên tắc và đảm bảo dân chủ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Với uy tín của mình, sau khi nghỉ hưu, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. Dù ở vị trí nào, ông Thanh cũng luôn gương mẫu và tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tham gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự. Với những cống hiến của mình, ông Rơ Mah Thanh đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an.

Thương binh Rơ Châm Ten. Ảnh: Đ.Y

Thương binh Rơ Châm Ten. Ảnh: Đ.Y

3. Ôm tấm ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào lòng, thương binh Rơ Châm Ten (làng Mít Jép, xã Ia O, huyện Ia Grai) rưng rưng xúc động. Ông Ten cho biết, ông sinh năm 1944, tham gia kháng chiến chống Mỹ khi vừa tròn 18 tuổi. Ông không nhớ là cùng đơn vị tham gia bao nhiêu trận đánh địch. Nhưng trận đánh phá vòng vây của địch có pháo và hàng trăm xe tăng truy quét giữa tháng 6-1968 ở gần căn cứ Chư Nghé thì mãi mãi không bao giờ quên. “Chỉ sau 1 đêm, tôi cùng đồng đội tiêu diệt được 4 chiếc xe tăng. Thấy vậy, địch dùng bộc phá đánh sập hầm, dùng lựu đạn cay, chất độc hóa học tấn công vào nơi chúng tôi đang cố thủ. Tôi bị thương nặng, bị gãy nửa cánh tay phải và đùi. Đồng đội đưa tôi về đơn vị chữa trị, các đồng chí khác tiếp tục chiến đấu”-ông Ten kể.

Thương binh Rơ Châm Ten cho biết thêm: Hiện nay, cứ đến ngày 2-9, dân làng Mít Jép lại tổ chức đón Tết Độc lập. Nhà có gà mổ gà, có heo mổ heo, làm bánh tét, rồi thăm hỏi, động viên nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Còn ông thì thường xuyên tuyên truyền để bà con dân làng hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của độc lập, tự do, từ đó mà không ngừng cống hiến, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm