Điểm đến Gia Lai

Ký ức về tháng 3 lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trưa 17-3-1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Tòa hành chính Pleiku trong niềm hân hoan của toàn Đảng, quân và dân tỉnh Gia Lai. Đã 45 năm trôi qua song ký ức về những ngày tháng 3 lịch sử ấy vẫn hiện hữu vẹn nguyên trong tâm khảm bao người lính trận. Để rồi khi nhìn lại từ quá khứ đến hiện tại, họ không khỏi phấn khởi trước sự đổi thay của quê nhà.
Đô thị Pleiku khang trang hôm nay. Ảnh: H.T
Đô thị Pleiku khang trang hôm nay. Ảnh: H.T
VẸN NGUYÊN KÝ ỨC HÀO HÙNG
Được sự giới thiệu của đồng nghiệp, tôi tìm đến ngôi nhà số 10/5 Nguyễn Tuân (tổ 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) để gặp gỡ ông Triệu La Phương-người lính của Đại đội 70 (Tiểu đoàn Đặc công 408) năm xưa đã trực tiếp cắm cờ giải phóng trên nóc Tòa hành chính Pleiku. Giọt mồ hôi rơi vội trên gương mặt rám nắng của người cựu binh tuổi 66. Ông mỉm cười bảo, giờ đây gắn bó với vườn tược là niềm vui bình dị lúc về già.
Như bao thanh niên yêu nước khác, cuối năm 1971, chàng thanh niên 17 tuổi Triệu La Phương tạm gác bút nghiên, rời quê hương Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) để lên đường nhập ngũ tại Sư đoàn 305 (Binh chủng Đặc công) rồi sau đó hành quân vào Nam chiến đấu. Đến tháng 9-1973, ông được bổ sung về Đại đội 70 (Tiểu đoàn Đặc công 408 của Tỉnh đội Gia Lai) với nhiệm vụ đánh phá sân bay, kho tàng… của địch. Ông đã cùng đồng đội đốt cháy hơn 50 vạn lít xăng tại Sân bay Aria (thị xã Pleiku) vào đầu năm 1974 khiến địch vô cùng hoảng loạn. 
Có một sự kiện trong cuộc đời binh nghiệp của mình mà cựu binh Triệu La Phương không bao giờ quên. Ấy chính là thời khắc vào trưa 17-3 của 45 năm trước, khi ông xé toạc lá cờ ba que của ngụy và thay vào đó lá cờ cách mạng tại Tòa hành chính Pleiku. Ông Phương xúc động kể: “Sáng hôm đó, tổ cắm cờ chúng tôi gồm 4 người do Đại đội trưởng Đại đội 70 Chu Quang Tùy chỉ huy, tiến thẳng đến Tòa hành chính. Lúc này, địch đã rút chạy hoàn toàn, quang cảnh rất hoang tàn, xơ xác. Dưới sự cảnh giới của đồng chí Lê Mạnh Hùng và Trịnh Thế Đoàn, tôi trèo lên cột cờ để kéo hạ và xé cờ của địch, thay bằng lá cờ của ta”.
Vợ chồng ông Lâm Huế trò chuyện về những ngày tháng 3 hào hùng năm xưa. Ảnh: H.T
Vợ chồng ông Lâm Huế trò chuyện về những ngày tháng 3 hào hùng năm xưa. Ảnh: H.T
Là người tiếp quản Pleiku ngay từ lúc vừa mới giải phóng, những ngày này, ông Lâm Huế (57 Nguyễn Đức Cảnh, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cũng bồi hồi không kém. Ở tuổi 95, bước đi có phần chậm chạp, song khi nhắc nhớ về “bản hùng ca” tháng 3 năm ấy, ký ức trong ông vẫn hiện về nguyên vẹn. Đầu năm 1975, lực lượng vũ trang tỉnh nhận nhiệm vụ nhử kéo địch về giữ Bắc Tây Nguyên; phối hợp với quân chủ lực cắt đường 19 và 14. Cùng với đó, những hoạt động đánh nghi binh của quân chủ lực làm địch phán đoán nhầm ta sẽ đánh Pleiku và Kon Tum nên liên tục báo động, tăng cường tuần tra canh gác. Chính vì thế, cuộc tiến công của quân ta vào Buôn Ma Thuột 10-3-1975 khiến chúng vô cùng bất ngờ. Lúc bấy giờ, ông Lâm Huế cùng 1 tiểu đội trinh sát đang hoạt động tại Mặt trận khu 6, đóng quân tại Chư Sê, dựa vào dân quân du kích, cán bộ địa phương để nắm tình hình; đồng thời tranh thủ thời cơ phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn. “Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ cộng với đường tiếp tế từ đồng bằng lên cũng bị cắt đứt, địch ở Kon Tum và Pleiku hoang mang cực độ. Chiều 16-3, địch hỗn loạn tháo chạy, tôi nhận được lệnh về tiếp quản Pleiku. Sáng 17, anh em du kích mật ở Chư Sê đã dùng một chiếc xe Honda chở tôi tức tốc về thị xã và cuộc bàn giao giữa Trung đoàn 95 với lực lượng vũ trang tỉnh diễn ra khá nhanh chóng”-ông Huế nhớ lại.
VỮNG TIN VÀO TƯƠNG LAI
Sau giải phóng, người dân Pleiku tích cực tham gia lao động sản xuất, dựng xây cuộc sống mới từ những hoang tàn, đổ nát của chiến tranh. “Dân Pleiku trước giờ chỉ buôn bán, không hề biết gì đến ruộng vườn mà vẫn vui vẻ đi kinh tế mới. Hàng trăm hộ dân ở phường Hoa Lư đã chuyển về khu vực Trà Đa và dọc đường 14 theo hướng Kon Tum để khai hoang trồng lúa và khoai lang, trước mắt nhằm thoát khỏi cái đói, tiếp đến là phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Phải nói tỉnh ta khi đó đã có những chủ trương, chính sách vô cùng đúng đắn và hợp lòng dân”-ông Lâm Huế nhận định.
Ngồi cạnh bên, bà Võ Thị Định cũng đồng tình với ý kiến của chồng. Cuối năm 1975, bà Định chuyển công tác từ Bộ Ngoại thương về Ty Nông nghiệp tỉnh Gia Lai, rồi qua Ty Thủy lợi. “Ngày ấy, các địa phương vận động nhân dân khai hoang, trồng trọt mạnh mẽ lắm nhưng hệ thống thủy lợi hầu như không có, đất đồi núi bạc màu nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư xây dựng hồ chứa, đập dâng, kênh mương thủy lợi, chủ yếu sản xuất lương thực là chính, mãi sau này mới trồng cà phê, cao su, hồ tiêu… Đến nay, nền nông nghiệp tỉnh thật sự đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là việc người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất. Nhiều khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động khá hiệu quả, đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà”-bà Định cho hay.
Cựu binh Triệu La Phương đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh:H.T
Cựu binh Triệu La Phương đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh:H.T
Còn với cựu binh Triệu La Phương, Gia Lai hiện nay khác “một trời, một vực” so với thời điểm mới giải phóng. Điện-đường-trường-trạm được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp; dân trí không ngừng được nâng cao; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; bản sắc văn hóa được phát huy. “Trước Tết Nguyên đán vừa qua, thông tin TP. Pleiku được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đã khiến những cựu binh như chúng tôi rất đỗi vui mừng. Đây là kết quả xứng đáng sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, thành phố và người dân suốt mấy thập niên qua. Vẫn biết vị thế và tầm cao mới chắc hẳn cũng sẽ đặt ra cho địa phương không ít thách thức. Tuy vậy, tôi vẫn luôn có niềm tin rằng, thành phố cũng như tỉnh ta sẽ có những bước tiến vượt bậc và vững chắc hơn nữa trong tương lai”-ông Phương lạc quan bày tỏ.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm