Thời sự - Bình luận

Lá chắn thép nơi biên cương Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đứng chân nơi “phên giậu” của Tổ quốc, 61 năm qua, những người lính mang quân hàm xanh đã trở thành lá chắn thép nơi biên cương khi biết gắn bó máu thịt với dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới, giữ trọn vẹn từng tấc núi dòng sông của cha ông để lại. Giờ đây, khi cả nước căng mình chống dịch, tinh thần ấy càng bừng sáng hơn để các anh mãi mãi xứng đáng là chỗ dựa vững chắc chốn biên cương.
  Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Anh Huy
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Anh Huy
Dù là mang tên gì, Công an vũ trang hay Biên phòng thì những người lính mang quân hàm xanh vẫn luôn đoàn kết một lòng, chấp nhận gian nan thử thách, gắn bó với dân, vượt qua những vất vả của địa bàn xa xôi hẻo lánh, bám làng, bám dân, tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới, giữ vững từng tấc đất biên cương. Nhiệm vụ canh giữ sự bình yên cho cuộc sống nhân dân luôn là nhiệm vụ thường trực của những người lính Biên phòng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã giúp dân xây dựng cuộc sống thông qua các hoạt động hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào vùng biên biết xóa bỏ các hủ tục, định canh định cư, biết đắp đập đào kênh dẫn nước vào ruộng, biết bón phân cho cây trồng; trong nhà có người đau ốm đã bớt cúng bái mà biết tìm đến trạm y tế quân-dân y kết hợp để chữa bệnh. Những thầy giáo mang quân hàm xanh đã mang con chữ đến cho trẻ em vùng biên, giúp các em biết đọc, biết viết, biết học những điều hay lẽ tốt từ sách báo; giúp người dân vùng sâu, vùng xa biết học và làm theo những kinh nghiệm hay để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Biên phòng toàn dân đã trở thành câu chuyện của tình người, của sự đùm bọc, sẻ chia, là câu chuyện của tình quân dân, nghĩa đồng bào.
Từ đây, ra đời những chương trình: mái ấm cho người nghèo nơi biên giới hải đảo, bò giống giúp người nghèo biên giới, hay tủ sách, phòng đọc biên giới… Hình ảnh người lính Biên phòng trở nên quen thuộc với người dân các tỉnh vùng biên. Ở nhiều vùng biên giới xa xôi của Tây Nguyên, không ít cán bộ chiến sĩ Biên phòng đã trở thành cha nuôi của những đứa trẻ mồ côi, những đứa trẻ bị dân làng chôn sống theo mẹ vì hủ tục, để rồi, cùng với thời gian, cùng với sự bảo bọc, chở che của người lính Biên phòng, các cháu đã lớn lên thành những bờ vai A Quyết, A Tâm vững chãi giữa núi rừng. Người dân các vùng lũ ống lũ quét các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, miền Trung-Tây Nguyên… sẽ không bao giờ quên hình ảnh những người lính Biên phòng vất vả, quăng quật cả ngày đêm với bão lũ để cứu dân; sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho đồng bào mình qua cơn đói rét. Có người làm nhiệm vụ cứu dân mà đã vĩnh viễn ra đi.
Mấy tháng nay, khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, nỗi lo dịch bệnh lây lan qua các đường mòn lối mở dọc biên giới lớn hơn bao giờ hết, BĐBP đã trở thành lực lượng đứng mũi chịu sào, ngăn chặn dịch bệnh từ xa, không để dịch bệnh lây lan vào nội địa. Dọc tuyến biên giới của 7 tỉnh phía Bắc, hơn 500 tổ chốt chặn của BĐBP đã được triển khai. Giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt của những ngày giáp Tết, trên 2.800 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã không quản ngày đêm, căng mình nơi rừng sâu biên giới để dõi theo mọi động tĩnh, phát hiện kịp thời những trường hợp nhập cảnh trái phép từ vùng dịch, ngăn bệnh từ xa.
Trong chiến tranh, BĐBP đã đổ máu để bảo vệ sự toàn vẹn của biên cương Tổ quốc. Trong thiên tai bão lũ, BĐBP cũng là một trong những chỗ dựa vững chắc của người dân vùng biên, giúp dân qua cơn hoạn nạn. Giờ dịch bệnh bùng phát, BĐBP lại dang rộng vòng tay đón và giúp đỡ y tế cho người dân từ vùng dịch trở về có nơi ăn chốn ở, được cách ly đề phòng dịch bệnh. Những lán trại dựng lên dọc biên giới, những bữa cơm nóng hổi tình nghĩa quân dân, những bàn tay, cử chỉ chăm sóc y tế tận tình của BĐBP đã giúp người dân vùng biên thêm ấm lòng.
Sức mạnh đoàn kết của những người lính mang quân hàm xanh với người dân vùng biên là sợi dây gắn kết tình nghĩa quân dân cá nước, là sức mạnh của niềm tin, của lòng yêu nước. Các anh xứng đáng là những lá chắn thép nơi miền biên cương Tổ quốc.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm