TN - Đất & Người

Lâm Đồng khuyến khích người dân, cơ quan báo chí giám sát, tố giác phá rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phá rừng ở Lâm Đồng gia tăng, chủ tịch tỉnh này đã yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh và khuyến khích người dân, cơ quan báo chí giám sát, tố giác các hành vi vi phạm.

Lâm Đồng khuyến khích người dân, cơ quan báo chí tố giác các hành vi phá rừng. Ảnh: G.B
Ngày 23.3, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước tình trạng phá rừng còn xảy ra tại nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương, người đứng đầu các đơn vị chủ rừng nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, lâm phần được giao quản lý.

Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng. ẢNH: G.B
Văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký cũng nói rõ, thời gian tới, nếu các địa phương, đơn vị chủ rừng tiếp tục để xảy ra tình trạng vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng phức tạp nổi cộm hoặc để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND các địa phương, thủ trưởng các đơn vị chủ rừng liên quan phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời sẽ không bình xét thi đua năm 2021 và UBND tỉnh sẽ xem xét đình chỉ công tác, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra vi phạm theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tăng cường vận động, tuyên truyền người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng; khuyến khích người dân, cơ quan báo chí tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng; kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng để khuyến khích, động viên, nhân rộng.

Nếu để xảy ra phá rừng, cháy rừng thì các địa phương, đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm. ẢNH: G.B
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 152 vụ vi phạm luật Lâm nghiệp, trong đó có 75 vụ đã xác định được các đối tượng vi phạm và 77 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm, gây thiệt hại 10,56 ha rừng, 1.008 m3 gỗ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm tăng 16 vụ (tương đương 12%), diện tích bị thiệt hại do phá rừng tăng 3,13 ha (tương đương 42%) và lâm sản thiệt hại tăng 552,9 m3 (tương đương 21%).
Theo Gia Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm