Khu công nghiệp Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN) |
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa có ý kiến chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng xem xét việc cưỡng chế thuế bằng biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trước đó, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần đề nghị thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp của nhiều doanh nghiệp đang nợ thuế trên địa bàn, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh không chấp nhận.
Từ tháng 5/2022 đến tháng 10/2023, Cục Thuế Lâm Đồng đã có nhiều văn bản gửi Phòng Đăng ký Kinh doanh-Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trong đó, liệt kê nhiều doanh nghiệp nợ tiền thuế, nhưng không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.
Cụ thể theo văn bản số 3269/CTLĐO-QLT ngày 21/6/2023, Cục Thuế tỉnh xác định đến thời điểm 31/5/2023, căn cứ trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) tại cơ quan thuế thì trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có tới 173 doanh nghiệp đang còn nợ tiền thuế, nhưng không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký (trạng thái 06).
Tuy nhiên, thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vẫn còn ở trạng thái đang hoạt động hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, nhưng chưa thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp.
Theo danh sách Cục Thuế tỉnh thống kê, có các doanh nghiệp như Công ty cổ phần OKIS Việt Nam ở huyện Đức Trọng; Công ty Cổ phần Hà Phong ở huyện Bảo Lâm; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà An Phát ở thành phố Đà Lạt; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây Dựng Đà Lạt; Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Thượng ở huyện Di Linh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Hậu Phố ở huyện Bảo Lâm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thịnh Lộc Phát ở thành phố Bảo Lộc… nợ thuế quá thời gian quy định. Sau khi đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không được chấp nhận, Cục Thuế Lâm Đồng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị có ý kiến chỉ đạo.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh báo cáo chưa đủ điều kiện để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các doanh nghiệp nợ thuế quá 90 ngày, các doanh nghiệp không có dự án đầu tư như đề nghị của Cục Thuế tỉnh.
Cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 124 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 là chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Về thực hiện quy trình thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do có tiền thuế nợ và không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký: Khi ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan thuế đồng nghĩa là doanh nghiệp sẽ bị xóa tên, giải thể trên Hệ thống Đăng ký Kinh doanh Quốc gia và doanh nghiệp không còn pháp nhân (không còn mã số doanh nghiệp/mã số thuế) để hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước.
Trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu nộp số tiền thuế còn nợ hoặc sau thời hạn 1 năm thì quyết định cưỡng chế không còn hiệu lực, nếu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ không còn pháp nhân để thực hiện các nghĩa vụ thuế, điều đó gây thất thoát đối với ngân sách nhà nước và làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời không đúng theo tinh thần quy định biện pháp cưỡng chế thuế của Luật Thuế quản lý thuế 2019 nêu trên.
Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Cục Thuế tỉnh nên căn cứ và thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý Thuế, sau đó mới đến biện pháp đề nghị thu hồi "Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp" để tránh làm ảnh hưởng đến pháp nhân của doanh nghiệp, hạn chế sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân…