TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Yêu cầu xử lý dứt điểm các vụ vi phạm an toàn hồ, đập thủy lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa có Công văn số 5483/UBND-TL về việc xử lý dứt điểm các vụ vi phạm lấn chiếm đất bảo vệ hành lang an toàn hồ, đập thủy lợi trái pháp luật nghiêm trọng xảy ra trước đó trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S giao Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, rà soát báo cáo tình hình vi phạm và xử lý vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn; đặc biệt là xử lý các vụ vi phạm lấn chiếm đất bảo vệ hành lang an toàn hồ, đập, công trình thủy lợi trái pháp luật về UBND tỉnh trước ngày 5-8-2022 để tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để cung cấp thông tin, số liệu tình hình vi phạm và xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương, gửi báo cáo cho Sở trước ngày 3-8-2022; kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm các hành vi lấn chiếm đất xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ đập, hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ cơ sở. Trường hợp để xảy ra vi phạm nghiêm trọng không xử lý dứt điểm, gây dư luận không tốt, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Trước đó, tháng 5-2021, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng vi phạm nghiêm trọng tại hồ thủy lợi Próh, huyện Đơn Dương. Đây là một trong 5 hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Lâm Đồng hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Do hồ nằm ở vị trí đẹp để phát triển du lịch nên một số doanh nghiệp, cá nhân từ nơi khác đã đến đây mua gom đất của người dân xung quanh hồ; đồng thời, đưa máy móc xuống đào lấp, lấn chiếm lòng hồ, xây dựng công trình trái phép lấn chiếm mặt hồ, đắp nhiều đập dâng trái phép tại dòng chảy cấp nước cho hồ… Thậm chí, đã có nhiều đối tượng manh động, có hành vi ngăn cản lực lượng quản lý, bảo vệ hồ tới kiểm tra, giám sát.
Nhiều công trình xây dựng khiến cho diện tích hồ Próh ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN

Thời gian gần đây, tại huyện Lâm Hà, nhiều hành vi vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ an toàn đối với các công trình thủy lợi đã xảy ra. Tại sông Cam Ly (đoạn chạy qua thôn Thanh Hà, xã Đông Thanh), một hộ dân đã xây bờ kè bê tông cao khoảng 5 m, dài 40 m lấn ra mép nước, làm biến đổi dòng chảy và đe dọa trực tiếp tới đường dân sinh bên bờ sông ở phía đối diện. Dọc bờ sông Đạ Dâng (chảy qua thôn Tân Tiến, xã Tân Văn) trong phạm vi dài khoảng 500 m xuất hiện gần 20 nhà dân xây dựng có dấu hiệu lấn chiếm hành lang bờ sông. 

Tương tự, tại các lòng hồ thủy điện Đa Siat (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm), lòng hồ thủy điện Đại Ninh (huyện Đức Trọng), lòng hồ thủy điện Đồng Nai (huyện Di Linh và huyện Lâm Hà), cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hoạt động san gạt, lấp đất, xây bờ kè, bao móng... lấn chiếm diện tích bảo vệ lòng hồ.
Trước tình trạng này, từ tháng 7-2022, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ra các thông báo, chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư các địa phương liên quan kiên quyết xử lý. Các địa phương xử lý vi phạm hành chính những trường hợp vi phạm theo thẩm quyền, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu; nếu không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân liên quan để xảy ra các vi phạm nêu trên theo quy định pháp luật.
Được biết, tỉnh Lâm Đồng còn tồn tại 566 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Năm 2021, qua công tác kiểm tra, rà soát đã phát hiện thêm 83 trường hợp vi phạm, nâng tổng số vụ vi phạm đến ngày 21-12-2021 lên 649 trường hợp, trong đó đã xử lý dứt điểm được 110 trường hợp.
NGUYÊN VÕ
 

Có thể bạn quan tâm