Đúng như dự đoán, giá xăng dầu tăng mạnh chiều 11.2. Mặc dù chưa vượt qua được “mốc lịch sử” cách đây gần 8 năm nhưng đã tiệm cận và tạo sức ép rất lớn tới sản xuất và tiêu dùng.
Xăng dầu tăng mạnh tạo áp lực lên sản xuất và cuộc sống người dân. Ảnh: Tùng Giang |
Gọi là tăng mạnh bởi mức tăng ở kỳ trước, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 440 đồng lên 23.590 đồng, RON 95 tăng 490 đồng đạt 24.360 đồng một lít thì lần này tăng gấp đôi, ở mức E5 RON 92 tăng 980 đồng đạt 24.570 đồng một lít, RON 95 tăng 960 đồng đạt 25.320 đồng.
Cũng cần nhắc lại lịch sử rằng, vào tháng 7.2014, giá xăng dầu tại Việt Nam đạt đỉnh khi xăng RON 95 có giá 26.140 đồng/lít, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít. Khi đó, giá dầu thô tại thị trường thế giới là trên 100 USD/thùng.
Để kìm giá xăng, lâu nay vẫn có công cụ là Quỹ bình ổn xăng dầu. Lần này Quỹ bình ổn không chi tiền bởi theo Thông tư 103/2021 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 2.1.2022 thì Quỹ này chỉ chi khi “các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng từ 7% trở lên so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề, trừ trường hợp mức tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân”.
Một cách thần kỳ, mức tăng lần này chỉ… 6,9%. Nghĩa là không xuất Quỹ, còn yếu tố “mức tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân” cần thời gian đánh giá.
Trên thực tế, có thông tin rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu đã…dùng hết. Thậm chí, Quỹ bình ổn xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đầu mối còn bị âm lớn, tổng mức âm lên tới 1.500 tỉ đồng theo con số từ tháng 10.2021.
Nghĩa là sẽ ít hy vọng vào công cụ Quỹ bình ổn xăng dầu, vậy thì tính chuyện xa hơn, ở kỳ điều chỉnh sau, vào ngày 21.2 thì giá xăng dầu chỉ cần tăng 5% là thiết lập kỷ lục mới: Cao nhất trong lịch sử.
Ai cũng rất rõ rằng xăng dầu là sản phẩm đầu vào quan trọng của nền kinh tế, không có giải pháp bình ổn sẽ tác động bất ổn đến toàn bộ nền kinh tế, không chỉ tác động đến tăng trưởng GDP còn có khả năng gây ra lạm phát trong giai đoạn hiện nay.
Nhưng để kìm giá xăng dầu dường như chỉ còn một giải pháp: Xem xét giãn, hoãn, giảm một hoặc một số loại thuế ở mặt hàng này như VAT, thuế bảo vệ môi trường. Hiện trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm khoảng 42% đối với mặt hàng xăng và khoảng 30% đối với mặt hàng dầu. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, đối với xăng sinh học là 3.800 đồng/lít.
Đó là điều bất hợp lý và người tiêu dùng lúc này cần được chia sẻ nhất.
Năm ngoái, Bộ Tài chính đã bác đề xuất này. Việc tăng giá xăng tác động mạnh, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng, làm tăng phí đầu vào, nhất là đối với ngành vận tải kéo theo giá cả mặt hàng tăng cao. Như vậy, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% với nhiều lĩnh vực vừa ban hành sẽ không còn nhiều ý nghĩa nhiều trước cơn bão tăng giá từ áp lực giá xăng dầu.
Giảm thuế, phí với xăng dầu chính là tăng sức đề kháng của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
HOÀNG LÂM (LĐO)