Thời sự - Bình luận

Làm gì để nông sản Tây Nguyên tự tin vươn ra thế giới?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 30 lô sầu riêng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc không bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn như cơ quan chức năng nước này cảnh báo.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, câu chuyện này như một lời nhắc nhở các nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng trong việc chú trọng chất lượng, an toàn để nông sản có thể tự tin bước ra thị trường thế giới.

Cuối tháng 3 vừa rồi, Hải quan Trung Quốc phát đi cảnh báo 30 lô hàng sầu riêng của Việt Nam xuất sang nước này nhiễm kim loại nặng cadimi vượt giới hạn vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi kiểm tra mẫu đất, nước tưới, phân bón, vật tư, thuốc kích thích sinh trưởng, hóa chất xử lý sầu riêng... Cục Bảo vệ thực vật khẳng định: Không phát hiện mẫu nào vượt ngưỡng cadimi như Trung Quốc cảnh báo.

Đó là điều đáng mừng. Vì chí ít chúng ta cũng tự tin với đối tác khả năng đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản xuất khẩu vào thị trường tỷ dân Trung Quốc.

So với Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia… sầu riêng Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch quanh năm, đặc biệt là sầu riêng trái vụ. Năm 2023, cả nước có khoảng 110.000 ha sầu riêng với sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn (gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với 5 năm trước). Một nửa trong số này đã được xuất khẩu, thu về khoảng 2,2 tỷ USD. Năm nay, diện tích tiếp tục tăng lên khoảng 150.000 ha, sản lượng dự kiến đạt 1,5 triệu tấn.

Không chỉ sầu riêng, với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và lao động, các tỉnh Tây Nguyên đã đóng góp đáng kể vào thành tích xuất khẩu của đất nước bằng các loại nông sản hàng hóa chủ lực có quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao như: cà phê, hồ tiêu, chanh dây, điều, mắc ca, cao su… cùng các loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… đang được phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung. Tuy nhiên, kết quả này vẫn được cho là chưa tương xứng với tiềm năng có thể khai thác của khu vực Tây Nguyên. Kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt gần 3,8 tỷ USD năm 2022 và trên 3,7 tỷ USD năm 2023, chiếm gần 7,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản cả nước. Xuất khẩu nông sản của Tây Nguyên vẫn còn một số hạn chế. Đó là quy mô sản xuất, chế biến còn nhỏ lẻ, thiếu các trung tâm chế biến sâu, dẫn đến giá trị mang lại cho người sản xuất chưa cao. Các sản phẩm nông sản chủ lực chất lượng không đồng đều, do đó còn vấp phải nhiều hàng rào kỹ thuật. Đặc biệt là liên kết còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, dẫn tới thiếu các chuỗi cung ứng nội vùng.

Vì vậy, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường châu Âu, để tạo bước chuyển mới mang tính đột phá trong xuất khẩu nông sản, các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh liên kết để phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực, từ đó xác định các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp, khai thác các giá trị sản phẩm tốt nhất. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần quan tâm tới kết cấu hạ tầng, xúc tiến thương mại chung; có cơ chế hình thành những công ty, tập đoàn chuyên doanh về thương mại đặc biệt để đảm bảo đầu ra các sản phẩm thế mạnh của vùng; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường để điều chỉnh kịp thời sản phẩm xuất khẩu phù hợp với từng thị trường, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Việc nhiều nước ngày càng quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng là tiền đề để dựng lên những hàng rào kỹ thuật, những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe với các sản phẩm xuất khẩu. Vì vậy, để nông sản xuất khẩu thế mạnh của Tây Nguyên ngày càng tự tin đi ra thế giới, thâm nhập các thị trường khó tính thì cần thực hiện tốt chiến lược từ trang trại tới bàn ăn, xây dựng các hệ thống thực phẩm công bằng lành mạnh và thân thiện môi trường, phấn đấu giảm 50% thuốc trừ sâu hóa học, 20% phân bón, 50% thuốc kháng sinh sử dụng trong các mặt hàng nông-lâm-thủy sản như khuyến cáo của EU và các đối tác.

Có thể bạn quan tâm