Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Làm "lầu" lênh khênh, nuôi thú biết bay, hứng thứ "phân vua" bán đắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh Lê Hồng Hiệp ngụ ấp Hòa Quới xã Hòa Tịnh huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) thành công với mô hình nuôi dơi lấy phân trên 10 năm nay. Hiện, với 5 chuồng nuôi dơi, mỗi ngày anh thu 10 kg phân dơi khô bán đắt tiền mang về 500.000 đồng...
Với tập tính sau khi đi kiếm mồi, dơi lại bay về tổ và bắt đầu thải lượng phân dưới mảnh lưới bên dưới chuồng. Mỗi ngày vào buổi trưa gia đình anh Lê Hồng Hiệp thu gom phân có sẵn trong lưới và đem phơi khô. Chính loại phân dơi này nếu bón sẽ có nhiều tác dụng, công dụng tốt đối với cây trồng.
Về cách thiết kế nhà nuôi dơi, anh Hiệp cho hay, thiết kế nhà nuôi dơi theo hình lục giác, làm 6 trụ cao từ 8 - 10 m trở lên, nền chuồng nuôi dơi dài 7 - 10m, ngang 3 - 5m; nóc chuồng nuôi dơi phải lợp bằng lá dừa nước.
 Mô hình làm chuồng dụ dơi về ở, nuôi dơi lấy phân của gia đình anh Lê Hồng Hiệp.
Mô hình làm chuồng dụ dơi về ở, nuôi dơi lấy phân của gia đình anh Lê Hồng Hiệp.
Trên trần của chuồng nuôi dơi phải lắp một cái sàn bằng cây để chịu được trọng lượng khi treo các tàu lá thốt nốt. Việc treo các tàu lá thốt là để làm ổ cho dơi ở).
Theo anh Hiệp, làm chuồng nuôi dơi bài bản, đúng, phù hợp với tập tính của dơi thì việc dụ dơi về ở sẽ hiệu quả. Cách dụ dơi về ở khá đơn giản nếu người nuôi thiết kế chuồng, làm chuồng đúng theo hình lục giác với 6 trụ cao và trong chuồng treo lá thốt nốt...
Theo người nuôi dơi ở ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, với cách làm chuồng nuôi dơi như vậy, chi phí làm một chuồng nuôi dơi khoảng hơn 6 triệu đồng. Trong quá trình nuôi dơi, người nuôi cần phải chăm sóc thường xuyên chuồng dơi.
Vào mùa mưa, người nuôi phải che kín chuồng nuôi dơi bằng lá chầm 4 bên vách chuồng. Việc này vừa làm ấm dơi vừa tránh được mưa tạt vào làm ướt dơi, ướt lá ổ.
Vào mùa nắng nóng cần phải bỏ bớt lá thốt nốt trong ổ ra để dơi được thoáng mát. Dơi rất sợ rắn lục, rệp vì vậy cứ 5 - 6 tháng thì thay lá ổ một lần.
Hiện nay các thành viên trong gia đình anh Hiệp đã làm được 5 chòi nuôi dơi lấy phân, mỗi ngày mỗi chuồng dơi cho thu hoạch trung bình 2 kg phân khô.
Phân dơi khô có thể bán lẻ tại nhà với giá trung bình 50.000 đồng/kg, như vậy với mỗi chuồng nuôi dơi cho thu nhập 100.000 đồng/ngày. 
Với mô hình làm chuồng dụ dơi về ở, nuôi dơi lấy phân, gia đình anh Lê Hồng Hiệp mỗi ngày mang về tổng thu nhập 500.000 đồng. Anh Hiệp cho hay, nuôi dơi lấy phân ít tốn kém chi phí, thu nhập ổn định. Nghề nuôi dơi lấy phân giúp gia đình anh Hiệp cải thiện kinh tế.
 
CÔNG DỤNG CỦA PHÂN DƠI
Theo các kỹ sư trồng trọt, phân dơi được gọi là "vua" của các loài phân-"phân vua" vì trong phân dơi có chứa các thành phần hóa học như urê, axít uric, vitamin A, kali... Hàm lượng dinh dưỡng trong phân dơi cao gấp 7 - 10 lần so với phân hữu cơ khác.
Phân dơi có công dụng giúp giải ngộ độc hữu cơ, hạ phèn giảm mặn cho đất; cải thiện cấu trúc đất, tăng độ phì làm cho đất tơi xốp; giúp cây trồng tăng trưởng nhanh, đẻ nhánh mạnh, hạn chế khô cành, rụng đốt, rụng quả sinh lý, hấp thu tốt nhiều dinh dưỡng khoáng trong đất.
Theo Ngọc Duyên (Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang)
Dẫn nguồn từ Dân Việt

Có thể bạn quan tâm