Lo lắng làm tăng nhịp tim, và một cơn hoảng loạn thậm chí có thể tạo cảm giác như một cơn đau tim.
Các triệu chứng của sự lo lắng có thể gây tổn hại cho cơ thể, đặc biệt là trái tim. Ảnh minh họa: Shutterstock |
Từ nỗi sợ hãi và lo lắng quá mức đến tim đập thình thịch và khó thở, các triệu chứng của sự lo lắng có thể gây tổn hại cho cơ thể, đặc biệt là trái tim.
Bạn có thể hạ thấp nhịp tim khi lo lắng bằng cách tập thể dục thường xuyên, thở sâu và thiền chánh niệm, theo Insider.
Một phân tích cho thấy những người mắc chứng lo âu tăng 26% nguy cơ mắc bệnh mạch vành - là loại bệnh tim phổ biến nhất.
Theo một đánh giá, rối loạn lo âu cũng dẫn đến suy tim và sức khỏe tim mạch kém nói chung.
Tiến sĩ Brian Isaacson, từ Trung tâm Y tế AtlantiCare (Mỹ), cho biết một số nghiên cứu cũng cho thấy những người mắc chứng lo âu có tỷ lệ rối loạn nhịp tim tăng, tim đập rất nhanh và nhịp đập sớm.
Làm sao để hạ thấp nhịp tim khi lo lắng?
Hiệp hội lo âu và trầm cảm Mỹ nói rằng đau ngực và tim đập nhanh khi hoảng loạn là phản ứng đối với nhịp tim ngày càng tăng.
Thực tế, một cơn hoảng loạn thường bị nhầm là cơn đau tim.
Ở những người mắc chứng lo âu, tiến sĩ Isaacson nói rằng bước đầu tiên là điều trị chứng lo âu tiềm ẩn, thông qua liệu pháp hành vi nhận thức và uống thuốc chống trầm cảm.
Ngoài ra, còn có một số phương pháp khác có thể giúp kiểm soát nhịp tim và kiểm soát tim đập nhanh.
Những biện pháp này không chỉ có thể giúp giảm nhịp tim ngay lập tức mà còn có thể chỉ cách kiểm soát sự lo lắng theo thời gian, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
• Vận động
Hoạt động thể chất và tập thể dục có thể giúp kiểm soát sự lo lắng và căng thẳng.
Một phân tích tổng hợp năm 2019 trên Tạp chí Trầm cảm và Lo âu (Mỹ) cho thấy so với những người mắc chứng rối loạn lo âu rất ít hoạt động thể chất, những người hoạt động thể chất nhiều hơn ít gặp các triệu chứng lo âu.
Tiến sĩ Isaacson chỉ ra rằng tập thể dục không chỉ giúp giảm bớt lo lắng, mà còn làm giảm nhịp tim lúc nghỉ ngơi, giúp ích cho tim rất nhiều, theo Insider.
• Thở sâu
Tham gia các phương pháp thư giãn như hít thở sâu và thả lỏng cơ thể có thể giúp giảm lo lắng và giảm nhịp tim.
Thở sâu giúp kích thích dây thần kinh phế vị, làm dịu thần kinh, có thể dẫn đến giảm nhịp tim và huyết áp, và tăng một số chất dẫn truyền thần kinh làm giảm cảm giác lo lắng, theo Insider.
Để tập thở sâu, hãy cố gắng tìm một không gian yên tĩnh và làm theo các bước sau:
• Ngồi hoặc nằm xuống và nhắm mắt lại
Từ từ hít vào qua mũi, cảm giác ngực phồng lên khi hít vào.
• Thở ra từ từ qua miệng
Lặp lại điều này thường xuyên khi cần thiết.
• Thực tập thiền chánh niệm
Một nghiên cứu do Đại học Công nghệ Michigan (Mỹ) cho thấy sau một buổi thiền kéo dài 1 giờ, những người tham gia có nhịp tim thấp hơn đáng kể, theo Insider.
Theo Thiên Lan (Thanh Niên)